Chính phủ đề xuất cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu cho rằng việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách chung của cả nước.
Đề xuất mô hình chính quyền đô thị
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).
Theo mô hình này, tổ chức chính quyền cấp thành phố là một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về tổ chức chính quyền tại quận, phường quy định thí điểm việc không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, Hội đồng Nhân dân phường bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại những nơi thực hiện thí điểm, Hội đồng Nhân dân quận, Hội đồng Nhân dân phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016-2021 kết thúc.
Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân phường nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân phường nhiệm kỳ 2021-2026 được thành lập.
Ủy ban Nhân dân quận thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận.
Cụ thể, Ủy ban Nhân dân quận thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố; trình Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công; quyết định và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn các phường trực thuộc.
[Đà Nẵng - Trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung]
Ủy ban Nhân dân phường gồm Chủ tịch, một đến hai Phó Chủ tịch, Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc lựa chọn thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị là phù hợp với Điều 111 Hiến pháp, cụ thể hóa quy định Khoản 14, Khoản 17 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đây là mô hình chính quyền mà thành phố Đà Nẵng đã được chọn thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân tại 7 quận, huyện, 45 phường và có kết quả tốt trong giai đoạn 2009-2016, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người dân thành phố.
Bên cạnh đó, bộ máy cơ cấu tổ chức của các quận, phường gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi trị trí việc làm.
Giao Chính phủ quy định chi tiết bộ máy cơ quan chuyên môn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.
Tuyến đường đi bộ ven sông Hàn vắng vẻ do người dân thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng như cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.
Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc thêm vì việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân.
Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhân dân quận, phường gồm 4 thành viên như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ (trong đó bao gồm chức danh Trưởng Công an và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự).
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết chưa làm rõ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân quận này có còn là thành viên Ủy ban Nhân dân quận không và vị trí, tính chất, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân quận như thế nào.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Đà Nẵng là địa phương phát triển năng động, là động lực cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Do vậy, cần có cơ chế cho Đà Nẵng phát triển mạnh hơn, phù hợp với vị trí và chiến lược vốn có.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ, diện tích tự nhiên của Đà Nẵng chỉ hơn 1.000km2, số lượng đơn vị hành chính không nhiều (chỉ có 6 quận, 1 huyện và 1 huyện đảo), dân cư ít, chưa kể đến đặc thù hạ tầng kinh tế-xã hội, tỷ trọng phát triển công nghiệp-dịch vụ-thương mại. Vì thế, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng là phù hợp.
Tuy vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chư Lưu lưu ý cần xác định rõ cơ cấu tổ chức bên trong. Mô hình chính quyền đô thị phải có điểm khác, phải được phân cấp, phân quyền; cơ cấu tổ chức bên trong cũng cần xem xét lại để phát huy được tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quy định ngay trong dự thảo Nghị quyết việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn ở quận, phường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng dự thảo Nghị quyết cần phân tích rõ hơn những đặc điểm đặc thù của thành phố Đà Nẵng so với các thành phố trực thuộc Trung ương; làm rõ vai trò trung tâm, động lực của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, tuy Đà Nẵng trước đây đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, phường nhưng hiện nay cũng cần rà soát lại việc này để đảm bảo đúng quy định.
Vấn đề ngân sách, thuế, phí cũng cần được xem xét kỹ để không tạo ra sự chênh lệch quá lớn so với mặt bằng chung của cả nước. Ngoài ra, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh. Vì thế, trong Nghị quyết cần đánh giá bổ sung thêm về mô hình chính quyền đô thị có thuận lợi, khó khăn gì trong vấn đề đảm bảo quốc phòng-an ninh.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng tên gọi của dự thảo Nghị quyết chưa phù hợp với các nội dung được quy định trong dự thảo.
Nội dung dự thảo quy định 2 nhóm chính sách lớn về thực hiện cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính, ngân sách, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Ngoài ra, việc ấn định mốc thời gian thực hiện “đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là chưa phù hợp với tính chất thí điểm cũng như tính quy phạm của văn bản.
Do vậy, các đại biểu đề nghị đổi tên gọi của dự thảo Nghị quyết là "Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và tổ chức mô hình chính quyền đô thị để phát triển thành phố Đà Nẵng."./.
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tao-dong-luc-de-thanh-pho-da-nang-phat-trien-nhanh-ben-vung-hon/636628.vnp