Theo Thủ tướng, chúng ta phải xác định trạng thái bình thường mới, như là đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng.
Chiều 22/4, kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kết quả chống dịch là đáng mừng nhưng không được chủ quan, lơ là và đặc biệt là phải xác định một trạng thái bình thường mới, chấp nhận sống trong trạng thái có dịch.
Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp
Xác định trạng thái bình thường mới
Phát biểu tại phiên họp, đánh giá cao các địa phương, bộ, ngành, nhân dân cả nước đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và đạt kết quả đáng mừng, cả nước 6 ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Chúng ta vui mừng nhưng phải cảnh giác và phải chấp nhận sống trong trạng thái có dịch. Vì chúng ta chưa sản xuất được vaccine thì vấn còn phải đối mặt với tình trạng lây từ người sang người. Chúng ta phải sống trong trạng thái như vậy để đề cao cảnh giác với năng lực xử lý y tế của đất nước, của các địa phương. Nhưng dù sao trong 3 tháng qua chúng ta đã kiên trì, áp dụng nhiều biện pháp, có những biện pháp mạnh để xử lý dịch bệnh Covid-19, đến giờ phút này rất đáng trân trọng và đáng mừng".
Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu rất lớn là không được để đại dịch tàn phá đất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Do đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam. Trong đó, chưa cho phép khách du lịch vào Việt Nam. Tiếp tục cách ly người nhập cảnh vào nước ta. Biện pháp cách ly có thể linh hoạt tùy đối tượng, nhưng phải nghiêm túc, chặt chẽ.. Cùng phòng chống dịch hiệu quả nhưng cùng với đó là phải tạo lưu thông hàng hóa, khôi phục sản xuất.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xác định trạng thái bình thường mới: "Chúng ta phải xác định trạng thái bình thường mới, như là đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng như đi học, đi chợ, du lịch, tham gia giao thông công cộng, giao lưu. Thế giới đã công nhận đeo khẩu trang là hiệu quả trong chống dịch và chúng ta cần phát huy. Thường xuyên rửa tay sát khuẩn và sát khuẩn cả các công cụ có nguy cơ lây nhiễm virus. Quy định mức tối thiểu về khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên như sản xuất kinh doanh, nhà hàng, tàu xe...Tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, hạn chế tập trung đông người. Thực hiện nếp sống mới, văn minh, văn hóa mới, tác phong làm việc mới. Một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội, một thời kỳ khẳng định tự lực tự cường của nền kinh tế đất nước".
Thủ tướng cũng yêu cầu, người có dấu hiệu ốm, sốt thì cần ở nhà, không đến cơ quan, trường học. Nếu bị sốt phải liên hệ ngay với các cơ sở y tế để nếu nhiễm COVID-19 thì không lây lan ra cộng đồng.
Tại cuộc họp, trên cơ sở các ý kiến phân tích của các đại biểu dự họp, Thủ tướng đồng ý với phương án: "Hà Nội là địa phương có nguy cơ nhưng một số địa phương của Hà Nội lại có nguy cơ cao như huyện Thường Tín, huyện Mê Linh hoặc những nơi nếu có ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày. Như vậy có một số địa phương của Hà Nội là có nguy cơ cao cần áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16. Còn những nơi khác của Hà Nội là có nguy cơ. Chưa áp dụng nguy cơ cao đối với toàn Hà Nội mà chỉ một số địa phương của Hà Nội mà thôi".
Cùng với Hà Nội, Thủ tướng nêu rõ, một huyện của Hà Giang nơi có bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao, còn các quận huyện khác thuộc nhóm có nguy cơ. Thủ tướng chỉ đạo, những huyện có nguy cơ cao phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các địa phương khác, cùng với việc phòng, chống dịch nghiêm túc thì đồng thời tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân.
Học gì thi nấy, không đánh đố
Tại cuộc họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã trình bày phương án về tổ chức kỳ thi trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học. Theo đó, năm nay sẽ không tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà chỉ tổ chức kỳ thi xét tốt nghiệp THPT. Các trường cao đẳng đại học sẽ tự chủ trong công tác tuyển sinh của mình. Điều này là phù hợp với quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học.
Sau khi các đại biểu nêu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cơ bản thống nhất với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu Bộ sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi trung học phổ thông cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng.
"Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy nhưng phải nâng cao chất lượng. Thi trong 1,5 ngày. Kỳ thi này do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện. Kỳ thi phải đảm bảo trung thực, an toàn, trách nhiệm trong điều kiện có dịch bệnh. Cần tăng cường thanh tra giám sát các cấp, các ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. Cần tăng cường sử dụng công nghệ để đảm bảo tính trung thực của kỳ thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc để áp dụng chặt chẽ nền nếp, an toàn. Trong đó có việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức thanh tra, giám sát tổ chức các kỳ thi ở các địa phương, chứa không được buông lỏng. Các địa phương phải chịu trách nhiệm chính”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cũng lưu ý, vừa qua chưa có ca nhiễm Covid-19 trong học sinh, sinh viên, nhưng cần có phương án tốt nhất để không xảy ra lây nhiễm dịch bệnh./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chap-nhan-song-trong-trang-thai-co-dich-1040544.vov