24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4. 3 địa phương đề nghị tiếp tục giãn cách ít nhất 1 tuần nữa.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng nay nhận được báo cáo của 58 tỉnh, thành đề xuất phương án giãn cách xã hội sau ngày 15/4.
Trong số này, 24 tỉnh, thành đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến hết tháng 4; 3 địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ít nhất 1 tuần nữa; 2 tỉnh đề nghị giãn cách xã hội đến khi không còn ca bệnh lây nhiễm thứ phát; 3 tỉnh đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh và 3 tỉnh đề nghị bỏ giãn cách xã hội đối với một số tỉnh chưa có dịch bệnh.
7 tiêu chí
Trên cơ sở thảo luận và phân tích các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến lây nhiễm, Ban chỉ đạo và các chuyên gia đi đến thống nhất, việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn; cần tiếp tục thực hiện ở các địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao. Các địa phương khác được thực hiện ở mức độ nới lỏng một số biện pháp.
Ở nhà gọi điện, người dân Đà Nẵng được ship giấy tờ hành chính đến tận nhà. Ảnh: Hồ Giáp
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo thống nhất việc áp dụng các tiêu chí phân loại các tỉnh, dựa trên các phân tích dịch tễ học, các yếu tố tác động đến tình hình dịch, khả năng ứng phó, các đặc điểm về dân số; giao thông đi lại; có nhiều người nước ngoài đã từng đến.
7 tiêu chí gồm: Tỉnh có các trường hợp nhiễm đặc biệt là nhiễm mới; đầu mối giao thông, đi lại; tỉnh có biên giới, cảng hàng không, có nhiều người qua lại biên giới; tỉnh có nhiều người nước ngoài đã đến du lịch, cư trú trong hai tháng qua; tỉnh có các khu công nghiệp, các nhà máy có đông công nhân; tỉnh có dân số đông; Các đáp ứng về phòng chống dịch; mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế; khả năng xét nghiệm; năng lực của đội ngũ cán bộ.
Ban chỉ đạo và các chuyên gia cũng thống nhất kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ, quyết liệt hơn và kiến nghị các giải pháp tiếp tục thực hiện phải được thực hiện ở tất cả các địa phương theo chỉ thị 15 của Thủ tướng.
Ban chỉ đạo thống nhất kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương quyết định việc thực hiện có thể kéo dài nhưng không vượt quá ngày 1/5.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh.
Cần tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh
Theo Ban chỉ đạo, việc thực hiện cách ly xã hội có tác động rất lớn đến tốc độ lây lan của dịch bệnh; việc áp dụng sớm sẽ có hiệu quả cao hơn. Vì vậy, tất cả các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quan trọng đang triển khai như: hạn chế ra khỏi nhà, khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, giữ khoảng cách tiếp xúc với người khác trên 2m.
Cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu… cấm các dịch vụ vui chơi giải trí, tiếp tục đóng cửa các khu du lịch.
Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị (đại hội Đảng các cấp hoặc các cuộc họp, sự kiện chính trị quan trọng) do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định, những người tham gia phải được giám sát y tế 14 ngày không được tiếp xúc với nguồn bệnh, hoặc đi từ vùng có dịch; có điều kiện thực hiện xét nghiệm cho những người tham gia; thực hiện việc dãn cách trong hội trường; đeo khẩu trang; sát trùng tay; không nghỉ giải lao; không tổ chức ăn uống; mở cửa thông thoáng phòng họp...
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế xã hội.
Phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban chỉ đạo quốc gia.
Theo Thu Hằng/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/24-tinh-thanh-de-nghi-tiep-tuc-cach-ly-xa-hoi-den-30-4-633686.html?vnn_source=trangchu&vnn_medium=moinong1