Dù Chính phủ có quyết định thế nào thì nguyên tắc tối thượng vẫn là bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Sau nửa tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chiều nay 15/4, Thường trực Chính phủ sẽ họp để đưa ra các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh, trên cơ sở báo cáo của các cấp, ngành và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19. Một trong những câu hỏi được dư luận quan tâm là liệu Chính phủ có tiếp tục duy trì biện pháp cách ly xã hội như hiện nay hay nới lỏng để giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp?
Nhưng dù có chọn giải pháp nào thì chắc chắn, không có chuyện chủ quan, lơi là chống dịch và ý thức của mỗi người dân vẫn giữ vai trò quyết định. Về phần mình, Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu tối thượng là: Vì sức khỏe nhân dân.
Thường trực Chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh sau khi Chỉ thị 16 kết thúc
Thực tế, trong nửa tháng qua, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, số người mắc Covid-19 đã giảm liên tục. Nếu như cuối tháng 3, đầu tháng 4, số ca dương tính với Covid-19 mỗi ngày đều trên 10 ca. Có ngày lên tới 19 ca (ngày 22/3) nhưng kể từ ngày 4/4 đến nay, số ca dương tính đã giảm, cao nhất cũng chỉ 4 ca/ngày. Có ngày chỉ 1 ca dương tính. Đó là những con số biết nói, cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội thật sự đem lại hiệu quả. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 2-3 tuần nhằm chặn đứng chuỗi lây nhiễm.
Nửa tháng qua là một quãng thời gian đầy thử thách đối với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều gia đình khi những thành phố, làng mạc trở nên im lìm, các ngành dịch vụ gần như đóng băng. Nhưng thật đáng mừng là khi triển khai các biện pháp mạnh về giãn cách xã hội, không hề xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, càng không có chuyện tranh cướp hàng để tích trữ hay đẩy giá cả lên cao. Hàng hóa luôn dồi dào ở các chợ và siêu thị, thậm chí người dân còn được phục vụ ở ngay chân cầu thang. Đó là điều vô cùng quan trọng đối với đất nước hơn 90 triệu dân, cho thấy các ngành chức năng đã rất chủ động, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ.
Cây ATM gạo- sáng kiến độc đáo của người Việt
Và càng trân quý, càng ấm lòng hơn khi chính trong khoảng thời gian giãn cách xã hội đầy khó khăn đó, đã lan tỏa một phong trào rộng lớn về sự sẻ chia, về tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt từ Nam chí Bắc. Không còn dừng lại ở việc phát khẩu trang và nước rửa tay miễn phí, nay, những điểm từ thiện đó được thay bằng việc phát nhu yếu phẩm cho người nghèo khi họ đối diện với hoàn cảnh ngặt nghèo. Cây ATM gạo- sáng kiến của chàng thanh niên Hoàng Tuấn Anh đã khởi đầu cho một phong trào phát gạo miễn phí cho người dân, xuất phát từ Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ sau một thời gian ngắn đã được nhân bản ở nhiều tỉnh, thành khiến cho báo chí thế giới phải kinh ngạc, coi đây là sáng kiến độc đáo của người Việt.
Ở tầm cao hơn, phong trào quyên góp ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được hơn 800 tỷ đồng và những đồng tiền quý giá đó đã bắt đầu được chuyển đến Bộ Y tế để mua thêm trang thiết bị y tế chống dịch. Đặc biệt, khoản hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng cùa Chính phủ đã nhanh chóng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận để 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được hỗ trợ một cách sớm nhất.
Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện nay, như Thủ tướng nhận định, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất chính là các loại hình doanh nghiệp. Một số ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề như du lịch, vận tải, dịch vụ... Không chỉ những tập đoàn lớn gặp khó khăn mà cả các doanh nghiệp tư nhân, các hợp tác xã cũng hết sức khó khăn. Nhiệm vụ đặt lên vai Chính phủ lúc này là phải duy trì mục tiêu kép: vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa giữ cho nền kinh tế không bị đứt gãy, giữ việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết.
Bởi vậy, Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của các cấp, các ngành, các chuyên gia để đưa ra một giải pháp thích hợp nhằm duy trì mục tiêu kép. Trước thời điểm Chỉ thị 16 hết hiệu lực, đã có một số biện pháp được gợi mở như phân loại các địa phương theo nhóm nguy cơ, từ cao đến thấp để thực hiện biện pháp cách ly. Ngoài yếu tố địa bàn, các biện pháp đưa ra cũng được khuyến cáo dựa trên các nhóm đối tượng, các ngành nghề sản xuất kinh doanh. Một vị lãnh đạo Chính phủ từng ví, nếu dịch ngắn thì cả nước xung trận, “đánh” xong về “cày ruộng”. Nhưng nếu dịch kéo dài thì phải “tay cày, tay súng” và các địa phương sẽ có “tiền tuyến, hậu phương”.
Trên thực tế, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp và chưa thể kết thúc trong những tháng tới. Số người mắc Covid-19 và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Dù Chính phủ quyết thế nào thì chắc chắn các biện pháp nghiêm ngặt vẫn phải duy trì như khóa chặt nguồn lây bên ngoài, khoanh chặt ổ dịch bên trong. Người dân tiếp tục phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người… bởi nếu không kiểm soát tốt thì những “đốm nhỏ” sẽ bùng lên thành những đám cháy lớn. Trường hợp như Hạ Lôi (huyện Mê Linh- Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Đây là điều rất nguy hiểm, nhất là khi dịch đã lây lan trong cộng đồng.
Bởi vậy, như Thủ tướng yêu cầu, chúng ta không thể chủ quan, tuyệt đối không lơi là, mất cảnh giác. Cả nước thực hiện nghiêm trong thời gian ngắn để không phải thực hiện phong tỏa trong thời gian dài. Nếu chúng ta lơi lỏng, sẽ xóa đi thành quả của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân Việt Nam đã dày công trong suốt thời gian qua”.
Dù Chính phủ có quyết định thế nào thì nguyên tắc tối thượng vẫn là bảo vệ sức khỏe nhân dân. Mục tiêu ấy đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong suốt thời gian chống dịch vừa qua./.
Theo Giáng Hương/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/covid19-danh-mot-tran-roi-ve-cay-ruong-hay-tay-cay-tay-sung-1037283.vov