Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Việc cần thiết bây giờ là phải siết chặt việc quản lý các hoạt động, tất cả dịch vụ không cần thiết phải đóng cửa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Chỉ thị 15 về việc thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Để làm rõ hơn nội dung trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trao đổi với báo chí về một số vấn đề mà dư luận quan tâm.
"Nếu chủ quan lơ là thì tình hình sẽ rất xấu"
Trong chỉ thị 15, Thủ tướng cũng yêu cầu “hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc...”. Một số ý kiến đang hiểu theo hướng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh gần như bị phong tỏa, Bộ trưởng có thể giải thích rõ hơn về chỉ đạo trên?
Thông tin phong tỏa một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là không chính xác. Dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát. Việc cần thiết bây giờ là phải siết chặt việc quản lý các hoạt động, tất cả dịch vụ không cần thiết phải đóng cửa.
Thủ tướng cũng yêu cầu áp dụng biện pháp hạn chế việc di chuyển, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Chính phủ đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết, nếu bắt buộc thì phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2 m khi tiếp xúc với người khác tại các địa điểm công cộng. Nếu chúng ta chủ quan, lơ là, tình hình hiện nay đã xấu hơn rất nhiều.
Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là những cơ cở nào không cần thiết thì bị đóng cửa, các chợ dân sinh có nằm trong diện này không?
Chợ dân sinh nếu kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu sẽ không bị tạm dừng hoạt động. Thủ tướng yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh và yêu cầu phòng chống, kiểm soát dịch trên địa bàn để quy định cụ thể.
Về chỉ thị của Thủ tướng, chỉ thị này này áp dụng với các hoạt động không cần thiết như tụ tập đông người để hội họp, giải trí hay tổ chức sự kiện, đi chơi đông người... Còn các cơ quan, đoàn thể, đơn vị hành chính thì vẫn đi làm. Hay như ngân hàng là nơi thực hiện giao dịch thì vẫn làm việc.
Giảm họp hành, chuyển sang làm việc trực tuyến
Thủ tướng yêu cầu “dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng”, vậy theo ông các cơ quan, công sở cần có điều chỉnh gì để thực hiện yêu cầu trên?
Những chỉ đạo của Thủ tướng nhằm mục tiêu trong hai tuần tới phải làm sao ngăn bằng được việc lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng; mỗi người dân phải tự có ý thức để góp phần trong việc này. Văn phòng Chính phủ hiện đã cắt giảm hết các hội nghị không cần thiết, nếu tổ chức thì hầu hết áp dụng hình thức họp trực tuyến, kết nối đến tận các phòng.
Các cơ quan, đơn vị nên tích cực chuyển đổi hình thức làm việc sang trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin. Họp hành thì cắt bớt thành phần đại biểu, rồi chia người tham gia vào nhiều phòng họp trực tuyến khác nhau.
Việc Thủ tướng đưa ra chỉ đạo trên nhằm mục đích chia nhỏ các bộ phận, hạn chế tiếp xúc và mỗi cơ quan phải tự ý thức hơn trong việc này nhằm góp phần chống dịch. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tự sắp xếp sao cho phù hợp để tránh đông hơn 20 người tập trung trong một phòng.
Theo Tiền phong
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-truong-chu-nhiem-vpcp-thong-tin-phong-toa-ha-noi-tphcm-la-khong-chinh-xac-1631176.tpo