Để tránh việc bổ nhiệm “thần tốc”, Bộ Nội vụ đề xuất thời gian đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp dưới trực tiếp phải từ 3 năm trở lên.
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước và lấy ý kiến nhân dân.
Đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 11 nhóm chức vụ (từ Thứ trưởng đến Trưởng, Phó phòng thuộc huyện).
Ảnh minh họa.
Tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, gồm: tiêu chuẩn chung về chính trị tư tưởng; tiêu chuẩn chung về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và tiêu chuẩn chung về sức khỏe, độ tuổi. Nội dung này được xây dựng trên cơ sở khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý tại Quy định số 89-QĐ/TW.
Về tiêu chuẩn đối với từng chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước, gồm 19 chức danh từ Thứ trưởng, Tổng cục trưởng; Vụ trưởng; Cục trưởng… đến Giám đốc sở, Trưởng phòng và Phó phòng thuộc huyện.
Mỗi chức danh được thiết kế gồm 4 nhóm tiêu chuẩn về vị trí chức trách, năng lực, kinh nghiệm công tác, trình độ. Trong đó, về kinh nghiệm công tác, yêu cầu phải có thời gian tối thiểu là 3 năm đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý cấp dưới trực tiếp; đối với lãnh đạo cấp phòng thì phải có thời gian làm chuyên môn tối thiểu là 3 năm. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với Quy định số 89-QĐ/TW và Quy định số 214-QĐ/TW, đồng thời hạn chế việc bổ nhiệm “thần tốc” đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Về trình độ, dự thảo Nghị định yêu cầu phải tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác; đối với lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ, cấp sở và Vụ trưởng thuộc Tổng cục yêu cầu trình độ cao cấp; đối với lãnh đạo cấp Vụ phó thuộc Tổng cục, Trưởng phòng yêu cầu trình độ trung cấp. Đối với lãnh đạo cấp Phó phòng không quy định bắt buộc phải có trình độ lý luận chính trị để phù hợp với thực tế vì có nhiều trường hợp công chức được bổ nhiệm cấp phòng chưa phải là đảng viên hoặc theo Kết luận số 202-KL/TW về thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng cho phép trường hợp chưa phải là đảng viên được dự thi.
Về trình độ quản lý, đề nghị yêu cầu phải bổ nhiệm vào một ngạch công chức tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm, đồng thời phải có chứng chỉ quản lý nhà nước theo chức danh bổ nhiệm.
Không quy định cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ
Về trình độ tin học, ngoại ngữ, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định cụ thể mà thực hiện theo quy định riêng của từng Bộ, ngành, địa phương. Trường hợp công chức công tác ở địa phương có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số thì cho phép sử dụng tiếng dân tộc thay thế cho tiêu chuẩn ngoại ngữ.
Theo lý giải của Bộ Nội vụ, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII xác định mục tiêu đến năm 2030, đối với cán bộ cấp chiến lược từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Quyết định số 1659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” cũng đã phấn đấu đến hết năm 2025, có 50% cán bộ, công chức ở Trung ương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi); 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên; 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên…
Tuy nhiên, tại Quy định số 214-QĐ/TW và Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị chỉ yêu cầu trình độ tin học và ngoại ngữ cần thiết và phù hợp. Do vậy, để phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ tại dự thảo Nghị định này mà sẽ thực hiện theo quy định của từng bộ, ngành, địa phương (kể cả trường hợp quy định sử dụng tiếng dân tộc thay cho tiêu chuẩn ngoại ngữ) cho phù hợp.
Hiện nay, các cơ quan thuộc Chính phủ bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập, và cơ quan thuộc Chính phủ không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, do vậy, Bộ Nội vụ đề xuất chỉ quy định việc áp dụng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan thuộc Chính phủ.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Nghị định này quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức vụ lãnh đạo, quản lý, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, đặc điểm của từng bộ, ngành, địa phươnh trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm, điều kiện, thực tiễn của bộ, ngành, địa phương.
Trong thời hạn 2 năm đối với những người đã được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu còn thiếu tiêu chuẩn về trình độ theo quy định tại Nghị định này phải bổ sung đủ, trong thời gian này vẫn được xem xét bổ nhiệm lại./.
Theo PV/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/tranh-bo-nhiem-than-toc-bo-noi-vu-de-xuat-them-giai-phap-1014796.vov