Nhấn mạnh không bi quan nhưng không chủ quan, Thủ tướng yêu cầu cần quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất kinh doanh.
Sáng nay, 25/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia chủ trì cuộc họp với Hội đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Báo Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ảnh hưởng Covid-19 toàn cầu khiến các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá kinh tế nhiều nước sụt giảm, trong đó có nhiều nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với nước ta, khiến không ít chuỗi sản xuất, thương mại bị đứt gãy.
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, cần có loại vaccine nào để chữa trị được căn bệnh sụt giảm của nền kinh tế của Việt Nam để chúng ta đạt được mục tiêu kép, đó là ưu tiên chỉ đạo ngăn ngừa Covid-19 lây lan để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng mặt khác giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam để thực hiện mục tiêu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Quốc hội đã giao.
Nhấn mạnh, “chúng ta không thể một thắng lợi đơn mà muốn có một thắng lợi kép” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn nghe về một “liều vaccine” từ các chuyên gia, thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
Theo Thủ tướng, đây là bài toán vô cùng hóc búa trong bối cảnh quốc tế, khu vực, nhất là các đối tác quan trọng hàng đầu của chúng ta về thị trường, chuỗi giá trị, gây nên sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng.
Thủ tướng mong muốn các thành viên Hội đồng phân tích những tác động đối với việc thực hiện các mục tiêu của đất nước năm nay, nhất là khi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, tác động đến Việt Nam, trong khi nước ta hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới, ở mức 200% GDP.
Cần triệt để tận dụng chính sách tài khóa
Về các mục tiêu Quốc hội giao Chính phủ trong năm nay, phát biểu tại phiên họp, nhiều chuyên gia chung quan điểm trước mắt chưa nên điều chỉnh các mục tiêu này, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Muốn như vậy, thái độ rất quyết liệt trong chống dịch cần tiếp tục được phát huy, bởi khó khăn hiện nay chính là do Covid-19 gây nên.
Việc kiểm soát dịch bệnh không chỉ có ý nghĩa trong kiểm soát dịch mà là còn có ý nghĩa củng cố niềm tin của nhân dân, của quốc tế, đặc biệt là nhà đầu tư, qua đó thực hiện được mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Chính phủ
Cho rằng cần hết sức lưu ý kiểm soát lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh, dù muốn tăng trưởng đạt mục tiêu, nhiều chuyên gia đề nghị không điều chỉnh gì nhiều đối với chính sách tiền tệ, thay vào đó cần triệt để tận dụng chính sách tài khóa còn nhiều dư địa.
Do đó, có thể tính đến một giải pháp là đề nghị Quốc hội giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật Hỗ trợ Doan, đây là cơ hội để điều trị, tiêu diệt virus trì trệ.
Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là cần đầu tư cho y tế, giáo dục, môi trường. Đây là thời điểm “vàng”, một mũi tên trúng hai đích, vừa kiểm soát dịch bệnh về lâu dài, vừa tạo niềm tin của nhân dân.
Bên cạnh tác động tiêu cực của Covid-19, các chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành rà soát xem trên bàn các bộ, ngành đang có những có dự án nào cần phê duyệt, cho ý kiến để nhanh chóng đưa vào triển khai. Cùng với đó là tập trung cao nhất thực hiện cho được Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ.
Giải pháp thúc đẩy du lịch của Chính phủ thời gian qua được các chuyên gia đánh giá cao, nhưng vẫn cần có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của Chính phủ, bởi đây là lĩnh vực đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Đối với vấn đề thị trường, các chuyên gia cho rằng, vừa qua có tình trạng giá một số mặt hàng như thịt lợn tăng cao, cho dù giá lợn hơi đã giảm, đó là do khâu tổ chức phân phối. Do đó cần tổ chức phân phối một cách hiệu quả, chi phí thấp hơn, vừa tránh lạm phát, vừa ổn định thị trường.
Đối với thị trường nhập khẩu thì cần tích cực xuất khẩu sang EU sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thay vì tập trung vào một số thị trường như Trung Quốc. Việc đa dạng hóa thị trường cần thực hiện với cả hàng hóa nhập khẩu, bởi hiện tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp khá lớn.
Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không nôn nóng thắt chặt quá chính sách tiền tệ nhưng không chủ quan. Đến nay, nếu xử lý tốt giá một số mặt hàng, như thịt lợn, thì giảm áp lực lên lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước cũng tán thành quan điểm của các chuyên gia là chưa vội vàng có các gói tín dụng hỗ trợ, mà cần có các giải pháp khác, như không chuyển nhóm nợ do tác động của dịch bệnh, giãn, hoãn nợ, cho vay mới, giảm lãi suất...
Về giá vàng tăng đột biến vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng đây hoàn toàn đây là yếu tố tâm lý. Hiện vàng không còn là mặt hàng có thể tác động đến các cân đối lớn của vĩ mô, kể cả với tỷ giá. Nếu có bất ổn Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng có giải pháp can thiệp và hoàn toàn can thiệp được.
Không bi quan nhưng không chủ quan
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá cao các chuyên gia nêu các ý kiến tâm huyết, sắc sảo và có cơ sở khoa học. Đây là dữ liệu đầu vào quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách điều hành kinh tế xã hội trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn, nhất là Covid-19.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tập trung các ý kiến, có báo cáo tóm tắt để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh:Chính phủ
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về hỗ trợ sản xuất kinh doanh thúc đẩy phát triển. Bởi, Việt Nam, một đất nước đang an toàn, kinh tế vĩ mô đang tốt, nhất là sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tốt, lạm phát không phải là vấn đề lớn. Đời sống nhân dân tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được mở rộng và giữ vững.
Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch Covid-19 lây lan đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất, tiếp theo là thực hiện mục tiêu là thực hiện các mục tiêu Quốc hội giao. Trong khó khăn phải quyết liệt vượt qua, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ; phải đồng tâm, hiệp lực, một niềm tin Việt Nam, một sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên. Chưa có cơ sở để điều chỉnh tăng trưởng, chưa có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu vĩ mô.
Nhấn mạnh, không bi quan nhưng không chủ quan, Thủ tướng cho rằng, cần quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung sản xuất kinh doanh đảm bảo các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Các ngành, địa phương phải có kịch bản triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh Covid-19. Tăng cường phân tích dự báo để ứng phó với các tác động từ bên ngoài. Những vấn đề này phải được thể hiện trong Chỉ thị mà Thủ tướng sẽ ký ban hành.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu những vấn đề cốt lõi Hội đồng đề xuất, Hội đồng thống nhất cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho phát triển bền vững.
Hàng hóa sản xuất dồi dào, cơ chế lưu thông thông thoáng, thị trường sôi động hơn, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, coi trọng xuất khẩu, đẩy mạnh nội nhu, đặc biệt là đầu tư công và đầu tư xã hội. Năm nay FDI vào rất lớn. Cần phát động một niềm tin thị trường để nhà đầu tư trong nước thúc đẩy đầu tư.
Hội đồng kiến nghị cần tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm quốc gia cần làm ngay. Cùng với đó là phát triển đô thị, giải tỏa các dự án bất động sản tại các đô thị lớn đang bế tắc, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động của dịch bệnh, đồng thời tiếp tục khơi thông vốn tín dụng, ưu tiên vốn cho các dự án năng lượng, cơ sở hạ tầng, chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông.
Hội đồng kiến nghị các cấp, ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung chống vi rút trì trệ trong phát triển. Nhiều ý nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch Covid-19, đẩy mạnh công tác truyền thông, giảm những thông tin sai sự thật ảnh hưởng tâm lý người dân và gây tiêu cực cho xã hội./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chua-co-co-so-de-dieu-chinh-tang-truong-1014504.vov