Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử là việc lớn cần sự đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm cụ thể hóa của các cấp bộ, ngành, địa phương,...
Sáng nay (12/2), tại trụ sở Chính phủ diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, Chính phủ quyền điện tử bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử là việc lớn của đất nước, cần sự đồng tâm, hiệp lực, quyết tâm cụ thể hóa của các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân.
Thủ tướng cho rằng, khả năng đột phá xây dựng Chính phủ điện tử là rất cao, có thể rút ngắn thời gian so với nhiều nước khác, nhưng cần trước tiên là yếu tố nhận thức rồi mới đến yếu tố công nghệ.
Đánh giá cao Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, các cơ quan chức năng đã thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng, điều đó góp phần cải cách hành chính, giảm các chi phí và thời gian cho doanh nghiệp và người dân.
Năm qua, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi so với năm 2018, ở mức 10,7%. Các cơ quan chức năng cũng đã huy động tốt trí tuệ của xã hội chung tay xây dựng Chính phủ điện tử.
Dẫn ra số liệu của Tổ chức minh bạch quốc tế mới công bố, xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam năm nay đứng ở mức 96/180 quốc gia, thăng hạng 21 bậc so với năm 2018, Thủ tướng cho rằng, ngoài yếu tố thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm, thì chính sự minh bạch của Chính phủ điện tử góp phần nâng mức xếp hạng này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6/11 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tại khu vực ASEAN là còn thấp và một trong những nguyên nhân quan trọng chính là còn tình trạng “áng binh bất động” trong xây dựng Chính phủ điện tử của một số bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là cơ sở dữ liệu cá nhân chưa được bảo vệ tốt, còn là khâu yếu.
Cụ thể, theo Thủ tướng, hiện nay chưa hoàn thành mục tiêu các yếu tố nền tảng cho Chính phủ điện tử như một số Nghị định về định danh điện tử, kết nối dữ liệu... Các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, nền tảng tích hợp dữ liệu điện tử còn chưa hoàn thiện. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thấp. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ. Mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước chưa thực sự trở thành nền tảng hạ tầng số của Chính phủ điện tử mà mới chỉ là hạ tầng truyền dẫn.
Về nhiệm vụ thời gian tới, nêu kinh nghiệm của các nước trong xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử là hỗ trợ chuyển đổi số của doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, vấn đề đổi mới công nghệ, đặc biệt vấn đề chuyển đổi số của doanh nghiệp là một trong những giải pháp Nhà nước hỗ trợ để giữ tốc độ phát triển của các doanh nghiệp.
Nếu chúng ta không làm tốt Chính phủ điện tử về thanh toán, thương mại điện tử, chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số thì khó mà thành công. Còn định hướng chung nhất là phải tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thiện mục tiêu mà Nghị quyết 17 của Chính phủ, nhất là mục tiêu đạt tỷ lệ 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (hiện chỉ mới đạt 10,7%).
Cùng với việc hoàn thiện Chiến lược xây dựng Chính phủ điện từ 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế phải đi trước để tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử. Trong năm nay phải hoàn thiện một số Nghị định về quản lý kết nối cơ sở dữ liệu, Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định về bảo vệ thông tin cá nhân... tiến tới sửa đổi Luật Giao dịch điện tử và Luật lưu trữ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện các yếu tố nền tảng của Chính phủ điện tử, Thủ tướng cho rằng, cần phấn đấu 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh thành có trung tâm giám sát, điều hành an toàn an ninh mạng; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản hoàn thành...
Để thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh là người trực tiếp chịu trách nhiệm về hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 17 của Chính phủ, cũng là người trực tiếp chỉ đạo triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách tốt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động.
"Người đứng đầu phải am hiểu và triển khai Chính phủ điện tử, thực chất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin ở đơn vị mình. Ví dụ cảnh sát giao thông phạt vi phạm giao thông như thế nào để thuận lợi cho người tham gia giao thông và chống tiêu cực” - Thủ tướng nói.
Trong vấn đề kinh phí triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất việc chuyển một phần Quỹ viễn thông công ích cho các dự án nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong quý 1 này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò là cơ quan điều phối, thống nhất toàn quốc về Chính phủ điện tử phải tổng hợp được các chiến lược, kế hoạch, các dự án đầu tư của các bộ, ngành, tỉnh thành; đôn đốc thực hiện, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo dùng chung, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tham nhũng.
Tại hội nghị, Thủ tướng đồng ý để Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo thêm nội dung về xây dựng Thành phố thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số, không thành lập thêm các ban chỉ đạo mới; giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất sửa đổi các văn bản chỉ đạo liên quan.
Thủ tướng cũng đồng ý đề xuất về việc xây dựng mạng số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước thành hạ tầng số của Chính phủ điện tử, vận hành khai thác các hạ tầng và nền tảng dùng chung.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại hội nghị, hiện nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng internet tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%. Năm 2019 cũng đánh dấu việc Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội, ra đời của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, trong khi Chính phủ thể hiện sự cam kết, quyết tâm vào cuộc cao thì cấp thực thi, bộ, ngành và địa phương lại thiếu quyết liệt trong xây dựng Chính phủ điện tử. Hiện Liên hợp quốc xếp hạng Việt Nam đứng thứ 88/193 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, chỉ tăng 1 bậc so với năm 2016./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-kha-nang-dot-pha-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-la-cao-1009461.vov