Cứ hai người dân được khảo sát thì có một người tin rằng các hoạt động phòng chống tham nhũng đang diễn ra hiệu quả.
Theo báo cáo của Tổ chức hướng tới minh bạch tại Việt Nam, một thành viên của tổ chức hướng tới minh bạch Quốc tế, năm 2019, bên cạnh việc cải tổ, hoàn thiện khung khổ pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều biện pháp cụ thể để phòng, chống tham nhũng, tiêu biểu là việc đưa ra xét xử một số lượng lớn chưa từng có các vụ tham nhũng quy mô lớn.
Nhiều cựu quan chức, chủ doanh nghiệp có sai phạm bị đưa ra xét xử trong năm 2019.
Nhờ có những nỗ lực này, cứ hai người dân được khảo sát năm 2019 thì có một người cho rằng các hoạt động phòng, chống tham nhũng là có hiệu quả, tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ năm 2016. Số lượng người dân tin rằng, họ có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc phòng, chống tham nhũng cũng tăng lên đáng kể sau ba năm (71% năm 2019 so với 55% năm 2016).
Tuy vậy, năm 2019, tham nhũng đứng vị trí thứ tư trong số những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam, so với vị trí thứ bảy năm 2016.
Mặc dù tin rằng mình có vai trò trong cuộc chiến chống tham nhũng và sẵn sàng tố cáo tham nhũng nhưng người dân hiếm khi làm vậy trên thực tế- báo cáo cho biết. 49% số người được khảo sát cho rằng, việc tố cáo không có tác dụng và lo sợ phải gánh chịu hậu quả do tố cáo. Đáng chú ý, đa số người dân được khảo sát cho rằng, các nhóm lợi ích đang chi phối một cách thiếu minh bạch các chính sách và quyết định của Nhà nước vì lợi ích riêng./.
Theo Bảo Ngọc/VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/cuoc-chien-chong-tham-nhung-tai-viet-nam-dang-chuyen-bien-tich-cuc-1003167.vov