Hội nghị là dịp để nước chủ tịch ASEAN đưa ra những ưu tiên, sáng kiến cụ thể trong việc triển khai các nội dung hợp tác của ASEAN trong năm 2020.
Sáng 17/1, tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa đã diễn ra hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN.
Hội nghị có rất nhiều ý nghĩa, nhất là đối với ASEAN nhằm khởi động quá trình xây dựng cộng đồng và đối ngoại cũng như những công việc chung của ASEAN trong năm 2020. Hội nghị cũng là dịp để nước chủ tịch ASEAN đưa ra những ưu tiên, những sáng kiến cụ thể trong việc triển khai những nội dung hợp tác của ASEAN trong năm 2020.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ thảo luận về những sáng kiến xây dựng cộng đồng, về triển khai quan hệ đối ngoại, cải tiến lề lối làm việc của ASEAN và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong các cuộc trao đổi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng sẽ giới thiệu tới các nước ASEAN về những ưu tiên, những sáng kiến cụ thể của Việt Nam trong năm 2020.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên:
Thứ nhất, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các thành viên; nâng cao khả năng phối hợp thực hiện chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình ảnh và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Thứ hai, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó, liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, các công nghệ mới; tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các tiện ích xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế, đơn giản hóa nền hành chính công, xây dựng môi trường xanh.
Thứ ba, thúc đẩy ý thức cộng đồng, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi đến người dân; thúc đẩy nhận thức, nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng; nâng cao hình ảnh Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Thứ tư, đẩy mạnh quan hệ giữa ASEAN với các đối tác vì hòa bình, phát triển bền vững; phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Cuối cùng, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; cải cách thể chế; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.
Nước Chủ tịch ASEAN 2020 kỳ vọng những đề xuất sẽ trở thành sản phẩm chung của ASEAN và sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy những sáng kiến này để triển khai một cách hiệu quả./.
Theo VOV.VN
https://vov.vn/chinh-tri/khai-mac-hoi-nghi-hep-bo-truong-ngoai-giao-asean-ammr-1001345.vov