Hội nghị lần này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của vùng đồng bằng chiếm 20% dân số cả nước.
Chiều 18/6, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các vị khách, đối tác quốc tế.
Cách đây 2 năm, tại hội nghị lần thứ nhất tổ chức ở Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ít nhất 2 năm một lần, Chính phủ sẽ mở diễn đàn về đồng bằng sông Cửu Long với quy mô lớn để bàn các giải pháp phát triển vùng. Đây là một biện pháp nhằm rà soát, đánh giá lại những nhiệm vụ đề ra, thay vì đề ra biện pháp nhưng không giải quyết, không bố trí nguồn lực, không chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, hội nghị này sẽ bàn 3 vấn đề trọng tâm đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, gồm đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc; xác định được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới; nêu giải pháp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân.
Hội nghị lần này cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với sự phát triển của vùng đồng bằng chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Thủ tướng gặp gỡ các đại biểu quốc tế tại hội nghị.
Sau 2 năm triển khai, Thủ tướng đã phê duyệt nhiều đề án, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu như: phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2018-2020.
Từ đó đầu tư xây dựng bổ sung các cụm, tuyến dân cư, đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho 8 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Thành phố Cần Thơ; phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng các công trình biển đảo đến năm 2025.
Các bộ, ngành cũng đã triển khai công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường, cập nhật dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn và bùn cát của vùng đồng bằng sông Cửu Long, dữ liệu về tài nguyên nước.
Các bộ, ngành cũng đang khẩn trương xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng để làm cơ sở cho việc tích hợp dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Hoàn thành điều tra, cập nhật dữ liệu tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học khu vực bán đảo Cà Mau năm 2018 và hiện đang tiến hành đối với khu vực tứ giác Long Xuyên năm 2019./.
Theo Vũ Dũng/VOV.VN