Sáng 14/6, với sự nhất trí cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Sáng 14/6, với sự nhất trí cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.
Áp dụng toàn bộ nội dung của Công ước số 98
Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể được thông qua với 93,39% đại biểu tán thành.
Theo Nghị quyết, Việt Nam sẽ áp dụng toàn bộ nội dung của Công ước số 98. Về tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 tại Phụ lục 02 và các văn bản pháp luật khác để tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và thực hiện các cam kết trong Công ước số 98.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Công ước số 98; tuyên truyền, phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung Công ước số 98 để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục đăng ký gia nhập Công ước số 98 và xác định thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam theo quy định của Công ước.
Báo cáo kết quả giám sát tại Kỳ họp thứ 9
Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” được thông qua với 91,53% đại biểu tán thành.
Quốc hội phân công Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga làm Phó Trưởng Đoàn thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình và Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải làm Phó Trưởng Đoàn.
Theo đó, Trưởng Đoàn giám sát chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về danh sách Ủy viên Đoàn giám sát.
Nghị quyết nêu rõ: Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2020; báo cáo kết quả giám sát để Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giúp Đoàn giám sát về những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát. Văn phòng Quốc hội giúp Đoàn giám sát xây dựng chương trình, kế hoạch, công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.
Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện cụ thể tổ chức giám sát nội dung chuyên đề nói trên; gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát./.
Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)