Theo lý giải của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, tình trạng giá thành công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước thường cao hơn công trình của tư nhân là do chưa sửa đổi kịp thời định mức đơn giá liên quan.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Một trong những vấn đề đại biểu đặt ra với người đứng đầu ngành xây dựng trong phiên chất vấn chiều 4/6, đó là nguyên do khiến các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước giá thành cao hơn nhiều lần so với các công trình xây dựng tương tự do tư nhân đầu tư xây dựng, cũng như vấn đề quản lý loại hình biệt thự du lịch, căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng (officetel)...
Xây dựng phương pháp định giá mới, tránh lãng phí, tiêu cực
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt câu hỏi “phải chăng việc chậm sửa đổi bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, hệ thống định mức đơn giá xây dựng đang là bệ đỡ cho vấn đề lãng phí, tiêu cực và tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng?”
Đại biểu hỏi về ý kiến của Bộ trưởng trong việc sửa đổi bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá trong xây dựng.
Theo lý giải của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, tình trạng giá thành công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước thường cao hơn công trình của tư nhân là có trong thực tiễn, mà nguyên nhân là do chưa sửa đổi kịp thời định mức đơn giá liên quan.
Bộ Xây dựng đã thực hiện Đề án đổi mới hệ thống định mức đơn giá, trong năm 2019, đã rà soát hơn 14.000 định mức, đơn giá về xây dựng, trong đó đã loại bỏ gần 2.000 đơn giá lạc lậu và sửa đổi, bổ sung một số đơn giá khác.
“Chúng tôi tin rằng việc áp dụng định mức giá mới sẽ giúp giá thành xây dựng sử dụng vốn nhà nước giảm xuống. Theo Đề án này, đến năm 2021 bắt đầu thực hiện phương pháp định giá mới, đáp ứng nhu cầu thị trường và hội nhập quốc tế,” Bộ trưởng bày tỏ.
Ông cũng chia sẻ thẳng thắn về việc công trình tư nhân thường quản lý chặt chẽ hơn công trình sử dụng vốn nhà nước, họ tiếp cận trực tiếp với cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, tiết kiệm chi phí quản lý chung, nên giá thành xây dựng công trình tư nhân thấp hơn công trình sử dụng vốn nhà nước. “Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ để có giá thành hợp lý, đúng, đủ theo quy định,” Bộ trưởng nói.
[Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn nhận trách nhiệm]
Quan tâm đến vấn đề chi phí “bôi trơn,” đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằngkhông ít dự án, việc thực hiện trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu khối lượng công trình còn vi phạm, gây thất thoát vốn ở một số khâu mà nguyên nhân chủ quan là do ý chí nhà thầu và những người trong cuộc theo nguyên tắc “chuyên môn càng sâu, đạo đức công vụ càng nông thì việc vi phạm càng tinh vi,” “chi phí cho việc trình duyệt càng chu đáo thì việc phê duyệt càng thuận lợi.”
Tùy vào tính chất mỗi dự án, nguồn gốc vốn đầu tư mỗi dự án khác nhau, tồn tại tỷ lệ phần trăm tiêu cực khác nhau trong thực hiện các dự án đầu tư. Đại biểu đặt câu hỏi về chỉ đạo của Bộ trưởng đối với thanh tra chuyên ngành trong việc thanh tra, xử lý, nhằm ngăn chặn tồn tại trên.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, có nguyên nhân từ cán bộ thực hiện và có chi phí “bôi trơn.” Nếu phát hiện, quan điểm của Bộ là phải xử lý nghiêm, kể cả về trách nhiệm dân sự, về hành chính, nếu vi phạm nặng sẽ xử lý theo pháp luật về hình sự. Bộ sẽ chỉ đạo thanh tra bộ thanh tra một số công trình riêng về chuyên đề này để phát hiện ra những hạn chế, tồn tại và cán bộ vi phạm.
Quản lý các loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chỉ ra một thực tế hiện nay là các hoạt động đầu tư xây dựng, giao dịch, cấp giấy chứng nhận đối với các loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đang diễn ra sôi động, tuy nhiên, chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh nội dung này. Bà chất vấn về trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Xây dựng, mà đứng đầu là Bộ trưởng, trong việc tham mưu ban hành các quy định quy chuẩn và hướng giải quyết đối với vấn đề cấp giấy chứng nhận sở hữu lâu dài đối với các căn hộ, nhưng không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) chất vấn về công tác quản lý thị trường bất động sản, quản lý căn hộ du lịch, biệt thự du lịch trong thành phố, đặc biệt là ở các thành phố du lịch và có hay không việc người Việt đứng tên để mua bất động sản cho người nước ngoài, các công ty mua bán bất động sản đưa ra thông tin quy hoạch giả để đẩy giá bất động sản, kiếm lợi bất hợp pháp, giải pháp quản lý của Bộ.
Trả lời ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết hiện nay các loại hình bất động sản mới ở nước ta tương đối phổ biến. Condotel chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh ven biển, có tiềm năng về du lịch, officetel chủ yếu phát triển ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề cần có chính sách quản lý tốt các loại hình này để đảm bảo nhu cầu thực tiễn.
Theo chỉ thị của Thủ tướng về một số giải pháp để đảm bảo ổn định, lành mạnh tình hình bất động sản, trong đó có loại hình condotel, officetel, resort, villa..., trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng quy chế quản lý, vận hành condotel, officetel; sửa đổi quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến các loại hình bất động sản mới này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2019 cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể các địa phương về chế độ sử dụng đất liên quan đến thời hạn sử dụng gắn với quyền sở hữu đất và quyền sở hữu nhà.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hoàn thành quy chế quản lý vận hành các cơ sở lưu trú du lịch đối với loại hình condotel và biệt thự du lịch.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho biết, tình trạng người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài là có nhưng hiện chưa có điều kiện thống kê cụ thể. Bộ Công an đã có báo cáo đánh giá tình trạng này và Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an xử lý việc người Việt Nam đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, tuy nhiên đây là việc hết sức khó khăn. Bộ sẽ cố gắng kiểm soát, hạn chế tình trạng một số người dân đứng tên mua nhà cho người nước ngoài.
Kiểm soát thị trường bất động sản
Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề giá cả bất động sản cao, khi số liệu cho thấy, so thu nhập bình quân người dân, giá cả bất động sản gấp khoảng 25 lần, ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận của người dân, đang là thách thức những nỗ lực giải quyết nhu cầu nhà ở cho những đối tượng có thu nhập thấp.
Chỉ ra rằng giá bất động sản tại một số tỉnh thành tăng rất cao, rất nóng, “nóng đến mức không kiểm soát được, thị trường bất động sản phát triển thực sự chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro,” các đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương), Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về nguyên nhân và giải pháp giải quyết.
Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết tồn tại hạn chế của thị trường bất động sản là do thể chế còn một số quy định chưa đồng bộ, mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật về bất động sản và giữa pháp luật về bất động sản với các pháp luật khác. Ví dụ, về giải phóng mặt bằng, thu tiền sử dụng đất một lần, thị trường sử dụng đất sơ cấp, quy định về một số loại hình bất động sản mới, chấp thuận đầu tư, lựa chọn đầu tư...
Cơ cấu sản phẩm của thị trường bất động sản, tuy đã có chuyển dịch tích cực nhưng chưa cân đối với nhu cầu của thị trường và một số phân khúc trung, cao cấp và các sản phẩm du lịch như condotel, resort, villa đã có biểu hiện dư thừa, trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Hiện nay, nhà ở xã hội mới làm được 4,8 triệu m2 so với yêu cầu là 12,5 triệu m2 đến năm 2020 và do thiếu nguồn vốn để tiếp tục cho vay, hiện nay, còn 226 dự án nhà ở xã hội đang bị chậm tiến độ, ách tắc.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, nguồn lực tài chính cho thị trường bất động sản vẫn còn rất thấp. Cơ cấu nguồn lực còn bất hợp lý, chủ yếu là sử dụng vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15-30% tổng mức đầu tư, chưa có các nguồn vốn dài hạn ổn định cho thị trường.
“Hiện nay, chúng ta cũng chưa có các ngân hàng tiết kiệm nhà ở, các quỹ về nhà chưa hình thành thị trường tài chính thứ cấp để cho bất động sản. Chúng ta chưa có quy định về thế chấp bất động sản để vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam,” Bộ trưởng cho hay.
Thông tin do Bộ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra cho thấy, đến quý 3/2018, dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 479.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% trong tổng dư nợ tín dụng, vẫn ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, theo đánh giá, nguồn vốn tín dụng bất động sản cơ bản tập trung vào một số nhà đầu tư lớn và một số phân khúc bất động sản có nhiều rủi ro. Tình hình trên thị trường bất động sản có dấu hiệu hoạt động không lành mạnh, trong đó có hình thức đảo nợ dưới hình thức chuyển nhượng dự án.
Thuế đối với bất động sản hiện cũng còn bất hợp lý. Đất phi nông nghiệp là 0,03% và 0,07% đối với diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức, những loại thuế chưa khuyến khích thu hút được nguồn lực cho bất động sản và chưa có tác dụng để hạn chế tình trạng đầu cơ trong bất động sản.
“Hiện nay tình hình phát triển nhà ở xã hội rất chậm. Có thể nói những hạn chế, tồn tại như trên đã gây ra những rủi ro trong hoạt động bất động sản,” theo người đứng đầu ngành Xây dựng.
Để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hạn chế rủi ro, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản từ quy hoạch đất đai, thuế, cơ chế tài chính, đầu tư xây dựng đến quản lý vận hành. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bất động sản; đồng thời với đó tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại quy mô nhỏ và vừa.
Cũng theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, nhiều địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, thiếu nguồn vốn lãi suất cho vay để mua nhà ở xã hội.
Hiện nay, mặc dù Chính phủ và Quốc hội đã quan tâm, cho đến thời điểm này đã bố trí hơn 3.000 tỷ đồng, song, so với yêu cầu còn rất chậm, người dân có thu nhập thấp khi không được hỗ trợ lãi suất rất khó khăn trong việc mua nhà. Đó là nguyên nhân của việc nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ chậm phát triển.
Chính sách nhà ở xã hội của chúng ta hiện nay còn tương đối phân tán, chia ra quá nhiều đối tượng (khoảng 10 đối tượng) và việc huy động nguồn lực nặng về bao cấp, chưa sử dụng các nguồn lực từ đất đai, bất động sản để phát triển nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ để giải quyết căn bản vấn đề nhà ở xã hội; nghiên cứu để bổ sung các giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nhà ở xã hội./.
Theo Thanh Vân-Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)