Tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng, niềm cảm hứng cho nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên giành độc lập dân tộc.
Trong những ngày tháng 5 này, dòng người vào viếng lăng Bác dường như đông hơn, tất cả đều muốn dành sự tri ân cao nhất đối với vị cha già kính yêu của dân tộc nhân dịp sinh nhật Người.
Một địa điểm khác được rất nhiều người lựa chọn đến tham quan sau khi vào lăng viếng Bác là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong số này, có những người khách nước ngoài dù thời gian lưu trú tại Hà Nội chỉ vỏn vẹn trong ngày nhưng đã dành cả buổi chiều để quan sát từng hiện vật trong Bảo tàng và nghe thuyết minh chi tiết về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong năm 2018, bảo tàng đã đón hơn 230.000 khách nước ngoài. Con số này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của du khách quốc tế đến một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20 do tạp chí Time danh tiếng của Mỹ bình chọn.
Đã có hơn 7 năm làm việc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, cán bộ Phòng Giáo dục Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn luôn cảm thấy xúc động trước những tình cảm chân thành mà người dân trên toàn thế giới dành cho vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Đây cũng là cảm xúc chung của những tình nguyện viên trẻ làm việc tại Bảo tàng trong quá trình tiếp xúc và giới thiệu thông tin về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho du khách quốc tế.
Đến Bảo tàng Hồ Chí Minh trong một ngày tháng 5 nắng đẹp, hai du khách phương Tây là anh Sonny, người Canada và anh Jacob người Đức, đều bày tỏ sự trân trọng và tình cảm đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hai chia sẻ, càng tìm hiểu sâu về những kỉ vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ càng thêm kính yêu Bác hơn.
Đây cũng là cảm xúc chung của rất nhiều du khách nước ngoài được họ viết trong sổ ghi cảm tưởng được các nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh trân trọng lưu giữ như những minh chứng rõ ràng nhất về tình cảm đặc biệt của nhân dân thế giới đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.
Tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh gây tiếng vang trên toàn thế giới vào năm 1919 khi Người (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam tới Hội nghị Verseilles, Pháp, nơi các nước đế quốc thắng trận trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ nhất nhóm họp để chia lại thị trường thế giới.
Đây là lần đầu tiên, đại diện của một nước thuộc địa gửi yêu sách đòi quyền tự do, dân chủ và quyền tự quyết của dân tộc.
Các nước đế quốc càng thêm kính nể khi dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã liên tiếp giành những thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để đất nước giành độc lập vào ngày 2/9/1945 và thống nhất hoàn toàn vào ngày 30/4/1975.
Đáng chú ý, ngay cả trong những giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tạp chí danh tiếng Time- vốn không mấy thiện cảm với những nước đối lập- vẫn dành sự kính trọng đặc biệt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tạp chí này đã 5 lần đưa hình ảnh Bác lên trang bìa cùng với những bài viết sâu liên quan đến Người vào những thời điểm mang ý nghĩa đặc biệt của dân tộc.
Hai tờ báo hàng đầu khác của Mỹ là New York Times và Washington Post cũng có những bài viết có nội dung ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2 ngày sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Tờ New York Times viết: "Người không những là thần tượng của nhân dân Việt Nam mà còn được Pháp công nhận là người phát ngôn đầu tiên của Việt Nam... Người đã để lại ấn tượng sâu sắc và đặc biệt có cảm tình đối với các quan chức và nhà báo nước ngoài. Một người Pháp, sau này trở thành Cao ủy Pháp tại Đông Dương, cũng phải thừa nhận Hồ Chí Minh là người có tính cách rất mạnh mẽ và đáng tôn kính... Ngày nay, không một tên tuổi nào ở Châu Á lại nổi tiếng như Hồ Chí Minh. Người chính là biểu tượng, là nhân vật truyền thuyết hơn là một con người bằng da bằng thịt".
Tờ Washington Post sau Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 9/1969, đã viết:"Không một nhà hoạt động lớn nào trong thập kỉ cách mạng dân tộc đầy sôi động này lại sống lâu, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thực hiện nhiều sách lược đường lối với nhiều thách thức to lớn như vị lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh. Con người mảnh khảnh, nhưng đôi mắt tinh anh sáng rực, đã trải qua nhiều nghề nghiệp, từ khi còn là bồi bàn trên tàu thủy, rồi làm nghề rửa bát, cấp dưỡng, giáo viên, thợ rửa ảnh và trở thành nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên những nhân vật đương thời".
Có thể nói, ít có lãnh tụ nào có tầm ảnh hưởng lớn đến nhân dân các nước thuộc địa, các nước bị áp bức muốn đấu tranh giành độc lập dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện Người đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 đã được coi là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng đấu tranh giành độc lập lan truyền khắp Đông Dương, châu Á, châu Âu và đến cả những nước châu Phi, châu Mỹ La tinh xa xôi.
Tên tuổi của Người giờ đã trở thành biểu tượng, niềm cảm hứng bất diệt cho các cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng và bất công trên toàn cầu, đem lại niềm tin sâu sắc cho nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới về quyết tâm đạt được những điều tưởng chừng như không thể nếu có tầm nhìn, đường lối cách mạng đúng đắn và mục đích hành động trong sáng, vì nhân dân.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lí học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới... viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xin được mượn lời đánh giá của tờ World Daily số ra ngày 20/9/1969 để tổng kết về sự nghiệp vĩ đại của Người: “Người đã trở thành biểu tượng Anh hùng và cách mạng trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại. Cuộc đời và các tác phẩm của Người sống mãi để thôi thúc những thế hệ tiếp nối và những thế hệ chưa chào đời. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản trong các nhà cách mạng trên toàn thế giới !"./.
Theo VOV.VN