Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc thực hiện hoá các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Với những đóng góp đó, chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng của nhân loại.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Lễ bế mạc.
Sau chuỗi sự kiện, các hoạt động văn hóa ý nghĩa diễn ra trong suốt 3 ngày, Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak LHQ) 2019 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 3 đăng cai tổ chức đã bế mạc vào sáng nay, 14.5, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. 4.500 đại biểu chính thức dự Đại lễ đã ra Tuyên bố chung với nhiều nội dung đáng chú ý.
Diễn văn bế mạc của Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak 2019 nhấn mạnh: Với chủ đề "Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững" đã nói lên tầm vóc, ý nghĩa lớn lao của Đại lễ Vesak.
Cùng với đó, khẳng định giá trị cốt lõi về hoà bình và trí tuệ trong giáo lý của Đức Phật, hơn bao giờ hết càng cần thiết được phổ biến trong xã hội ngày nay để xây dựng sự phát triển bền vững và hoà bình đích thực cho xã hội.
"Tuyên bố Hà Nam 2019 sẽ là cam kết của cộng đồng Phật giáo thế giới góp phần xây dựng hoà bình cho nhân loại", Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu cho hay.
Chủ tịch Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV) Phra Brahmapundit đã gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak 2019.
Hòa thượng Phra Brahmapundit nhấn mạnh: "Với tư cách Chủ tịch, tôi đảm bảo ICDV sẽ cố gắng triển khai hết sức những điều đã nêu trong Tuyên bố Hà Nam".
Hòa thượng Phra Brahmapundit
Về nước sẽ đăng cai Vesak 2020, Chủ tịch ICDV cho biết đến thời điểm này đã nhận được 3 quốc gia xin đăng cai tổ chức, vì vậy, ban tổ chức sẽ quyết định sau khi xem xét chương trình, dự án, hành động của các nước đăng ký.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình bày tỏ: Các ý nguyện tốt đẹp về một thế giới hoà bình, một xã hội phát triển bền vững đã được thảo luận, thống nhất thể hiện qua Tuyên bố Hà Nam Vesak 2019 khẳng định sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung vào việc thực hiện hoá các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
"Với những đóng góp đó chúng ta hy vọng về một tương lai tươi sáng của nhân loại, và những bất ổn của xã hội như chiến tranh, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khổ đau của nhân loại, khoảng cách giàu nghèo, vấn đề đói nghèo và biến đổi khí hậu từng bước được đẩy lùi. Tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak LHQ sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ", Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình bày tỏ: Tư tưởng tốt đẹp của Đại lễ Vesak LHQ sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng khẳng định thêm, trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo quy định của pháp luật.
Các tôn giáo ở Việt Nam luôn gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tham gia tích cực giải quyết các vấn đề trong đời sống xã hội.
Việt Nam sẽ cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa, có chính sách tốt hơn nữa để không ngừng cải thiện nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xã, đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện bình đẳng xã hội, xây dựng đất nước dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Huyên Nguyễn/Lao động