BGTV- Cách đây 65 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến tranh lùi xa, những mái đầu xanh ngày nào giờ đã bạc, kí ức về những tháng ngày khói lửa, thấm đẫm “máu và hoa” và rất đỗi tự hào ấy vẫn luôn in đậm trong tâm trí người anh hùng Chu Văn Mùi – niềm tự hào của quê hương Bắc Giang.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đức hy sinh cao cả của toàn dân tộc đoàn kết một lòng, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Là một trong những người lính được khen ngợi và tặng thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Nhất ngay tại mặt trận, đồng chí Chu Văn Mùi (sinh năm 1929 tại xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chính là người đã chiến đấu kiên cường trên đồi A1 nhiều ngày đêm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chiến sĩ thông tin điện đàm, góp công lớn vào chiến thắng tại cứ điểm ác liệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đồng chí Chu Văn Mùi tham gia du kịch từ khi còn trẻ, ngày 3/7/1949, ông nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội cối 120 ly thuộc Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước Điện Biên Phủ, ông từng tham gia nhiều chiến như chiến dịch như: Cao Bắc Lạng, Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào... Ở mỗi trận chiến, ông đảm nhận nhiều nhiều cương vị khác nhau từ chiến sỹ nuôi quân, chiến sỹ thông tin dây, chiến sỹ trợ chiến, pháo thủ… Năm 1952, ông tham gia lớp vô tuyến đầu tiên của Cục Thông tin liên lạc mở và trở về làm đài trưởng đài vô tuyến của đơn vị, đảm nhiệm vai trò của một người chiến sỹ thông tin ở đơn vị trong các trận đánh lớn. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi Sư đoàn 312 nổ súng đánh địch ở đồi Him Lam đánh trận mở màn, tổ thông tin của ông được giao bám theo Trung đoàn 102 chặn tiếp viện địch từ Mường Thanh ra để Trung đoàn 88 đánh đồi Độc Lập, các cứ điểm 206, 208...
Chiều 30/3/1954, ta tổ chức mở đợt tấn công giai đoạn 2 vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tuy nhiên tại A1 vấp phải hỏa lực rất mạnh của địch, quân ta gặp nhiều thương vong. Đơn vị của đồng chí Chu Văn Mùi được lệnh tiếp nhận chiến đấu trên cao điểm A1 từ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 trong đêm ngày 31/3. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt.
Ký ức Điện Biên Phủ với AHLLVTND Chu Văn Mùi là niềm tự hào, tuy có nhiều đau thương song vô cùng oanh liệt
Đồng chí Chu Văn Mùi cùng với tổ đội của mình được lệnh nối lại đường dây liên lạc tại A1. Vai trò điện thanh lúc này là vô cùng quan trọng do phải có sự hướng dẫn pháo ta mới hiệu chỉnh được mục tiêu, tiêu diệt địch, hỗ trợ quan trọng cho bộ binh, đồng thời giảm thiểu thấp nhất được thương vong. Bằng nghiệp vụ nhanh nhạy, đồng chí Chu Văn Mùi sử cách nói ám hiệu để pháo ta nhả đạn vào mục tiêu. Trong điều kiện chiến đấu khó khăn, ác liệt, vừa làm công tác liên lạc vừa chiến đấu như một chiến sĩ bảo vệ trận địa, đồng chí Chu Văn Mùi đã nối thông đường liên lạc chỉ toạ độ cho các đơn vị pháo của ta bắn tan đội hình quân Pháp, ngăn chặn được nhiều đợt phản kích của địch, đồng thời gặp được Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu dưới giao thông hào để nối thông liên lạc. Kết nối thông tin thông suốt với đại đội trưởng đã được báo cáo ngay về Sư đoàn 308, Sư đoàn 316, Trung đoàn 174. Đêm hôm đó, địch tổ chức tấn công hai đợt lên đồi A1 nhưng nhờ có được thông tin kịp thời nên quân ta đã đánh bật hết quân địch.
Ngày 1/4/1954, địch cho hai đại đội đánh lên trên đồi, lúc này đại đội của anh Lâm Viết Hữu chỉ còn vài người. Từ thông tin cấp báo của đồng chí Chu Văn Mùi, pháo binh của quân ta đã hướng hỏa lực bắn vào đội hình địch làm một chiếc bị đứt xích, một chiếc lao vọt lên được đỉnh đồi cũng bị chiến sỹ ta bắn cháy.
Rạng sáng ngày 2/4/1954, nhiều đồng đội đã hi sinh, Chu Văn Mùi chỉ với khẩu tiểu liên đã kiên cường bám trụ và đảm bảo giữ liên lạc thông suốt giữa các đơn vị. Chiều cùng này đồng chí Chu Văn Mùi nhận được lệnh phải gặp cho bằng được Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Hùng Sinh để nối liên lạc. Lúc này, sau ba ngày đêm kiên cường bám trụ, đồng chí đã gần như kiệt sức, đã phải uống nước giải của chính mình lấy thêm sức lực tiếp tục chiến đấu. Ông đã trực tiếp vác chiếc máy điện thanh nặng hơn 20kg của mình đi tìm Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh bị thương đang nằm trong hầm. Nhờ chiếc máy điện thanh đồng chí Mùi mang đến, đường dây liên lạc từ Trung đoàn trưởng đến Đại đoàn được nối lại trên đồi A1. Mặc dù đang bị thương nhưng đồng chí Nguyễn Hùng Sinh vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu, đánh lùi một đợt phản kích của địch, khôi phục được trận địa của ta.
Anh hùng LLVTND Chu Văn Mùi và Ông Nguyễn Văn Bằng - Cựu TNXP Đèo Cà trong buổi trò chuyện về kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Ngay sau đó, khi biết được tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng chí Chu Văn Mùi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định công nhận Đảng viên chính thức trước thời hạn 5 tháng cho đồng chí Chu Văn Mùi và tặng thưởng Huân chương chiến sĩ hạng nhất. Ngày 31/8/1955, ông được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".
Thời khắc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 mãi mãi đi vào lịch sử. Cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, kết thúc bằng chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”. Anh hùng Chu Văn Mùi tâm sự: “Khi nhận thấy cờ trắng trên hầm Đờ Cát, tất cả anh em chiến sỹ đều vỡ òa, đứng lên hẳn mặt hào vỗ tay, cảm xúc lúc này không thể diễn tả được, dù vẫn tiếp tục công việc nhưng trong lòng lâng lâng và vô cùng vui sướng”.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc và bè bạn năm Châu, nhưng chiến thắng quyết định phải do trí tuệ và xương máu của dân tộc mà xây nên. Hơn 3.200 người con ưu tú của dân tộc đã nằm lại trên chiến trường Điện Biên Phủ, họ đã ngã xuống cho Tổ quốc quyết sinh, làm nên bản hùng ca bất tử trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Và những người anh hùng bình dị như AHLLVTND Chu Văn Mùi là người góp phần viết nên bàn hùng ca ấy, là niềm tự hào để mỗi người đang sống trong nền hòa bình độc lập, càng thêm trân trọng và gìn giữ, xứng đáng với truyền thống quật cường cha ông đi trước./.
Minh Anh