Những sáng tạo độc đáo của bộ đội ta đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vẻ vang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những vật dụng hết sức đời thường cũng có thể được chế thành công cụ, hay vũ khí để phục vụ chiến đấu. Các sáng tạo này của quân và dân ta đã làm nên cái độc đáo, riêng biệt, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dụng cụ phục vụ cấp cứu, điều trị thương binh vô cùng thiếu thốn. Để có những chiếc bàn mổ, đội Quân y đã phải dùng những chiếc thanh tre ghép lại; còn với đèn mổ thì việc khắc phục rất khó khăn.
Ông Bùi Văn Đáp ở tổ 17, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ - cựu chiến binh quân y đường hầm còn nhớ: khi mổ, nếu dùng các loại đèn thắp sáng bằng dầu thì không đảm bảo vệ sinh. Nếu đang mổ, đèn bị tắt thì rất nguy hiểm.
Ông Bùi Văn Đáp thắp hương cho các đồng đội, đồng chí.
Về sau, mọi người cùng khắc phục chiếc đèn mổ bằng cách dùng các đèn pha xe đạp được xin từ đội xe thồ về. Mỗi buồng mổ lúc ấy chỉ cần đặt 2 chiếc đèn pha xe đạp là đủ, còn nguồn điện thì dùng ngay chiếc Đinamô của những chiếc xe đạp này, gắn lên khung xe và 2 người ngồi quay bằng tay để phát điện.
Cứ như thế, những chiếc đèn mổ bằng pha xe đạp đã được các y, bác sĩ quân y sử dụng để cấp cứu hàng trăm thương binh trong Chiến dịch một cách an toàn.
Với vũ khí thì cái nào bị hỏng, bộ đội ta đã sử dụng linh hoạt những vật liệu có sẵn như tre, nứa...để khắc phục; hoặc sáng tạo chỉnh lại nòng súng, thước đo... để tiếp tục chiến đấu.
Nhíp ô tô gãy được gia cố bằng 2 thanh tre già.
Ông Nguyễn Hữu Chấp ở tổ 20, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ - cựu chiến binh sư đoàn 312, sư đoàn chủ công của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh trận mở màn Him Lam và bắt sống tướng De Castries kể lại: lúc đang đánh đồi Him Lam thì Khẩu đội trưởng cối 82 của ông bị quả đạn cối 120 của địch nổ cách súng khoảng 10 mét, mảnh đạn văng vào, khiến nòng súng bị hỏng một phần, anh em cùng đội rất lo lắng liệu súng hỏng thế này có còn chiến đấu được hay không. Song, ông Chấp nói vẫn cứ tiếp tục bắn, lấy lại độ bắn.
“Trước là 73 thì bây giờ nòng súng ngắn đi thì mình xuống 72 hoặc 71 chẳng hạn để tiếp tục chiến đấu cho đến lúc hoàn toàn thắng lợi mới thôi. Lúc ấy, nếu bỏ súng thì mình không có phương tiện gì để chiến đấu, cho nên phải sáng tạo, bởi vì nòng ngắn lại thì sức đẩy của nó kém đi”-ông Nguyễn Hữu Chấp kể lại.
Bên cạnh những sáng tạo độc đáo, quân và dân ta còn có vô vàn những sáng tạo phi thường khác như: Xe đạp thồ, là chiếc xe đạp thông thường được gia cố thêm bằng những thanh tre già để tăng tải trọng, có thể chở được hơn 300 kg; con cúi được làm từ những chiếc rọ tre tròn, dài, cao tùy theo tình hình, thường được nhồi thân cây gỗ, rơm hoặc chuối rừng để hạn chế sát thương do đạn thẳng, lựu đạn, hay pháo cối bắn vào...
Chiếc xe đạp thồ.
Những sáng tạo độc đáo này đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vẻ vang của quân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cựu chiến binh Nguyễn Kim Sao, Trung đoàn 148, là một Trung đoàn độc lập của Bộ Quốc phòng, chuyên hoạt động tại vùng Tây Bắc cho biết: “Bộ đội ta có những sáng tạo rất hay, như sáng tạo đào hầm, đánh lấn; cuộn rơm chống đạn; cơm nước phục vụ cho chiến trường, từng tiểu đội vận động nấu cơm, nấu nước, rồi tiếp tế, vừa xay lúa vừa giã gạo vừa đem lên giúp anh em” – ông Nguyễn Kim Sao cho biết.
Nhiều sáng tạo độc đáo, phi thường của bộ đội ta được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, như Con cúi làm bằng rơm
Hiện một số sáng tạo độc đáo, phi thường ấy của bộ đội ta đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Tất cả là minh chứng lịch sử, thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đi đến thắng lợi vẻ vang, mang lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam./.
Theo Trấn Long/VOV-Tây Bắc