“Khi nghe các nơi báo cáo: “Xong rồi!”, trong cơ thể có một cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái biết bao! Và, lúc bấy giờ mới thấy thấm mệt, có thể nói mệt rã rời sau bao ngày đêm toàn bộ cơ thể luôn căng ra như dây đàn”.
Đại tướng Lê Đức Anh viết như vậy trong cuốn hồi ký "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng" của ông.
***
Sau khi giải phóng tỉnh Phước Long, Bộ Tư lệnh Miền Tây bắt tay xây dựng kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi thảo phương án sử dụng lực lượng, lấy lực lượng tại chỗ là chủ yếu, tính toán kỹ thấy thiếu một quân đoàn. Bộ Tư lệnh Miền họp thống nhất điện xin Trung ương đưa Quân đoàn 3 vào tăng cường cho B2.
Cả Bộ Tư lệnh Miền gần như thống nhất là sẽ giải phóng Sài Gòn vào tháng 4, vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa ở Nam Bộ, việc cơ động của ta sẽ khó khăn; mà khó khăn nhất là hướng tây - tây nam Sài Gòn, vùng Long An với đồng nước, kênh rạch và sình lầy.
Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các đơn vị hướng tây - tây nam chúng tôi tiến công. Đến 3 giờ sáng ngày 27, Sư đoàn 5 đã cắt được đoạn từ Bến Lức tới Tân An. Sư đoàn 8 cùng quân và dân Tiền Giang thực hiện đánh cắt lộ 4 từ Mỹ Tho đến bờ sông Tiền.
Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (người đang dơ tay chỉ) và Phó Chính ủy miền Nam Lê Văn Tưởng (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh miền Nam tại căn cứ Tà Thiết năm 1971.
Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực An Ninh - Lộc Giang, tổ chức vượt sông Vàm Cỏ, áp sát địch để bảo đảm cho Sư đoàn 9 cùng binh khí kỹ thuật qua sông. Sư đoàn 9 vượt sông Vàm Cỏ Đông vào vị trí tập kết tại Cầu Bông, Mỹ Thạnh, Đức Hòa. Các trung đoàn 24 và 88 bám sát vào nội đô phía nam Sài Gòn.
Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc huyện Đức Huệ (Long An) sình lầy, xe không đi được. Nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua. Lúc đó tôi nói một số đồng chí trở lại giúp dân làm lại nhà, dù người dân không hề đòi hỏi…
Sáng 30/4, các cánh quân ta cùng nhân dân nổi dậy, đồng loạt tấn công đánh chiếm các mục tiêu đã định. Đến 9 giờ 30 phút, quân địch về cơ bản đã mất sức chiến đấu. Cả Sài Gòn - Gia Định trở thành một rừng cờ, biểu ngữ, hoa các loại vẫy chào quân giải phóng.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Lúc này, ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân ta tự lực giải phóng địa bàn, góp phần cùng cả nước chấm dứt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc kéo dài 30 năm.
Ngày 30/4 và 1/5, chúng tôi ở sở chỉ huy cánh tây - tây nam tại một địa điểm phía nam huyện Đức Hòa, Long An. Khi nghe các nơi báo cáo: “Xong rồi!”, trong cơ thể có một cảm giác nhẹ nhõm, thoải mái biết bao! Và, lúc bấy giờ mới thấy thấm mệt, có thể nói mệt rã rời sau bao ngày đêm toàn bộ cơ thể luôn căng ra như dây đàn.
Tối hôm đó, khi anh Phạm Hùng và anh Văn Tiến Dũng cho người xuống gọi tôi lên họp, tôi nói, giờ cho tôi ngủ chút đã mệt quá! Và tôi đã ngủ một giấc tới 9 giờ sáng.
Trên đời này, ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng, thì hẳn sẽ hiểu và cảm thông cho giấc ngủ ngon lành, không gì cưỡng nổi của những người lính chúng tôi ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh.
Đời tôi đã đi suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Biết bao kỷ niệm sâu sắc tưởng chừng không thể quên. Chiến tranh là thử thách cao nhất, nghiệt ngã nhất đối với con người.
Cú chết hụt khi chiến tranh sắp kết thúc
Nhiều lúc bom đạn ác liệt quá, tôi từng nói vui với anh em: “Bom đạn đầy trời thế này, chết là chuyện thường, còn sống thì mới kỳ lạ!”. Bởi vậy, cú chết hụt ở giờ phút cuối cùng, khi mà chiến tranh sắp kết thúc thì tôi không thể nào quên được.
Sở chỉ huy của cánh quân hướng tây - tây nam nằm ngay bên bờ sông Vàm Cỏ thuộc huyện Đức Hòa. Suốt ngày đêm, tôi vẫn trụ trong cái chòi nhỏ sát mép sông. Sáng hôm đó, tôi vào ăn cơm, chỗ ăn là nhà họp của địa phương, làm nửa chìm nửa nổi, Chính ủy Hai Tưởng đặt vị trí ở đây; vừa ăn xong tự nhiên anh Tưởng bảo tôi: “Anh hãy nán lại, nằm trên võng của tôi mà thở, nghỉ mươi phút rồi hẵng ra đó!”.
Tôi nghe anh, vừa ngả lưng, thì ở ngoài chòi của tôi một quả bom từ máy bay địch ném trúng, cái chòi bay mất, cậu lái xe của tôi hy sinh, cậu Thái bảo vệ bị thương.
Nếu hôm đó ăn xong, tôi ra liền thì nhất định “cái chuyện thường” đã xảy ra với tôi và hôm nay, chẳng còn ngồi để mà viết ra những dòng chữ này! Chiến tranh có chừa ai, cái ngẫu nhiên và cái tất nhiên nhiều khi không thể mang “tính quy luật ra mà giải thích”!
Trích Hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” của Đại tướng Lê Đức Anh
Theo Dân trí