Chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp.
Đêm 27/4, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 25-27/4, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình.
Cùng với việc hoan nghênh và đánh giá cao các nỗ lực thúc đẩy kết nối, liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong chuyến đi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam trong việc phát huy tốt tiềm năng thế mạnh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng là nền tảng cho hợp tác thành công.
Chuyến tham dự Diễn đàn Cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam – Trung Quốc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao; góp phần củng cố tin cậy chính trị giữa hai bên. Các cơ chế giao lưu hợp tác ở các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục được triển khai hiệu quả. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư du lịch giữa 2 nước tiếp tục có bước phát triển tốt; giao lưu nhân dân tiếp tục được tích cực thúc đẩy.
Từ ngày 25-27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động như dự lễ khai mạc, các hội nghị bàn tròn của Diễn đàn. Thủ tướng Chính phủ đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hộ Ninh, tiếp nhiều doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, gặp mặt, thăm hỏi cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc. Đồng thời đã gặp, tiếp xúc với lãnh đạo nhiều quốc gia bên lề Diễn đàn.
Tại Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường với chủ đề: “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự phiên khai mạc với sự tham dự của 37 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ các nước cùng khoảng 5.000 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia và 90 tổ chức quốc tế; tham dự 3 phiên thảo luận tại hội nghị bàn tròn của Diễn đàn quan trọng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nỗ lực thúc đẩy kết nối, liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Thủ tướng hoan nghênh nguyên tắc của cơ chế hợp tác này đó là: “hợp tác cùng có lợi, cùng thắng giữa các quốc gia, đóng góp vào hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cùng phát triển, đem lại ngày càng nhiều lợi ích cho nhân dân các nước dọc theo tuyến đường BRI”. Thủ tướng bày tỏ Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tốt với Trung Quốc và các nước để xây dựng các hình thức hợp tác hiệu quả, cùng có lợi.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn với mục tiêu phát triển dài hạn, hiệu quả về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hoà về xã hội; lấy con người làm trung tâm, với đề cao trách nhiệm, đóng góp, sáng tạo của người dân và họ phải được hưởng thụ thành quả hợp tác BRI với cuộc sống tốt đẹp hơn, không ai bị bỏ lại phía sau và chuyển đổi sang nền kinh tế số với tăng trưởng dựa trên sáng tạo, khoa học công nghệ làm nền tảng trong dòng chảy của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để hợp tác đem lại kết quả thực chất, lâu dài, Thủ tướng nêu rõ quan điểm: Các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải được tôn trọng, lắng nghe và các khác biệt được giải quyết bằng tham vấn, đối thoại; quan hệ hợp tác cần bình đẳng, minh bạch, cởi mở, chân thành, cùng có lợi, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế.
Bằng nhiều nguồn lực phù hợp, Việt Nam đang chủ động triển khai nhiều dự án hạ tầng cơ sở để mở rộng kết nối với Trung Quốc, Lào, Campuchia và ASEAN, bao gồm giao thông vận tải, năng lượng, nông nghiệp, công nghệ, giáo dục, y tế, du lịch,…
Các ý kiến đóng góp của Việt Nam và nhiều nội dung được phản ánh trong Thông cáo chung của Diễn đàn. Đoàn Việt Nam cũng tham gia đóng góp dưới nhiều hình thức tại các hoạt động khác của Diễn đàn. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ đã tham gia phát biểu tại các phiên họp chuyên đề.
Khai mạc Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ hai. Ảnh: TTXVN
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, trong bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ: từ kinh nghiệm của Việt Nam thì nội lực là yếu tố quyết định, nhưng nguồn lực bên ngoài cũng rất quan trọng. Do đó, cùng với thúc đẩy đổi mới để phát triển toàn diện thì Việt Nam cũng rất coi trọng liên kết và coi trọng hội nhập quốc tế để phát triển, đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung của thế giới. Đồng thời Việt Nam cũng hoan nghênh các nguyên tắc đã được đề ra ngay từ Diễn đàn cấp cao lần đầu, đó là minh bạch, bình đẳng giữa các bên, dựa trên nguyên tắc của thị trường và tất cả cùng có lợi.
Một điểm nhấn quan trọng trong chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ chiến lược, láng giềng, hữu nghị với Việt Nam, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa...
Về đầu tư, trong các cuộc tiếp xúc cấp cao với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đề nghị Trung Quốc triển khai các dự án lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong và các dòng sông chung.
Trong lĩnh vực thương mại, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đã tích cực phối hợp giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam theo hướng thương mại cân bằng, bền vững, mở cửa hơn nữa thị trường cho các sản phẩm sữa và măng cụt của Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, nhất là 8 loại trái cây, thịt lợn và tổ yến, tạo thuận lợi cho thương mại gạo giữa hai nước; phối hợp xử lý một số vướng mắc về thủ tục hoàn công thanh quyết toán, đội vốn, chậm tiến độ, hiệu quả thấp trong các dự án hợp tác giữa hai bên; thúc đẩy ký mới Hiệp định đường sắt, kết nối đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu; đề nghị tăng số chuyến bay thẳng giữa 2 nước, cấp giờ hạ cất cánh phù hợp cho các hãng hàng không Việt Nam được bay thường xuyên đến/đi từ Bắc Kinh và Thượng Hải; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia hiệu quả vào tuyến vận tải Trùng Khánh – Singapore.
Trong vấn đề thương mại này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ, Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu sang Việt Nam, sẵn sàng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường hợp tác về thương mại và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Đánh giá về cơ hội mở ra trong hợp tác thương mại hai nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, lần này hai nước đã ký 5 biên bản liên quan đến kinh tế, đặc biệt là có hai văn kiện bắt đầu mở cánh cửa để chúng ta xuất khẩu sữa và sản phẩm từ sữa vào thị trường Trung Quốc.
Phía bạn cũng trao đổi là sẽ nghiên cứu để tạo điều kiện cho một số hàng nông sản khác của Việt Nam. Bên cạnh các cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc, lãnh đạo các bộ, ngành và thành viên chính thức cũng đã có các cuộc gặp chuyên môn với lãnh đạo bộ ngành, doanh nghiệp Trung Quốc để thúc đẩy thương mại giữa hai bên. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Do đó các cuộc trao đổi này là cơ sở để tạo khung khổ pháp lý, chính sách để thúc đẩy thương mại hai bên.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC; tích cực thúc đẩy đàm phán để xây dựng COC thực chất, có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định tiếp tục nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah (Hong Kong), đồng thời là Chủ tịch Phòng Thương mại Hong Kong - Việt Nam.
Nhân dịp tham dự Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp nhiều lãnh đạo cấp cao các Tập đoàn lớn của Trung Quốc, thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, trong các lĩnh vực hạ tầng – xây dựng, năng lượng, tài chính – công nghệ, viễng thông. Các doanh nghiệp đều đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và mong muốn hợp tác thương mại, đầu tư các lĩnh vực tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng, nhất là những doanh nghiệp có thực lực về tài chính, công nghệ tới Việt Nam đầu tư, hợp tác cùng tham gia đấu thầu quốc tế, bình đẳng trong triển khai các dự án cụ thể. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý các dự án đầu tư phải bảo đảm yêu cầu về môi trường, công nghệ hiện đại, bảo đảm tiến độ dự án. Việt Nam không chấp nhận công nghệ cũ, lạc hậu, không bảo đảm yêu cầu về môi trường.
Đánh giá cao những dự án tốt của nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng Thủ tướng cũng phê phán một số doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam nhưng triển khai một số dự án chậm tiến độ.
Có thể nói, chuyến tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành công tốt đẹp, thúc đẩy duy trì đà hợp tác phát triển ổn định của quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc, khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc thúc đẩy liên kết kinh tế, mở rộng hợp tác quốc tế, mang lại thịnh vượng cho các nước, khu vực và thế giới./.
Theo Vũ Dũng/VOV