Chính phủ vừa trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, trong đó điểm mới hướng đến là sẽ khắc phục tình trạng "viên chức suốt đời".
Chính quyền các cấp đang nỗ lực nâng chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Trong ảnh: người dân làm thủ tục hành chính tại UBND Q.10, TP.HCM - Ảnh: T.TRUNG
Dù vẫn còn những băn khoăn nhất định, nhưng đa số ý kiến ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí với phương án mà Chính phủ đề xuất là sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, thay cho hợp đồng không xác định thời hạn như hiện nay, nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng "không có vào, có ra" tâm lý "viên chức suốt đời" trong đội ngũ viên chức.
Phải đánh giá theo thang, bảng điểm
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc than phiền với cách làm hiện nay, "mỗi lần đánh giá cán bộ, công chức, viên chức tôi rất vất vả, lại mất nhiều thời gian", đồng thời cho rằng thay đổi phương pháp đánh giá, phân loại mới chính là mấu chốt của vấn đề, cần nghiên cứu quy định rõ trong dự luật.
Theo ông Phúc, luật chưa quy định rõ là thủ trưởng đánh giá hay tập thể đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Nếu đánh giá theo 4 mức độ hoàn thành công việc (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ) mà không định lượng cụ thể sẽ khó chính xác, dễ cảm tính, nể nang nhau.
"Thực tế cho thấy, hiếm khi có một công chức bị nghỉ việc do 2 năm liên tiếp "không hoàn thành nhiệm vụ". Kết quả đánh giá tại các cơ quan, đơn vị thường là 100% công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ" - ông Phúc nói.
TS Lê Thanh Vân, ủy viên thường trực ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cũng cho rằng chỉ có cách duy nhất là đánh giá bằng thực chứng mới xác định đúng chất lượng công chức, viên chức. Theo đó, phải dựa trên những phẩm chất, kết quả hoạt động cụ thể, có thể nhận thấy được, đo lường được, thay cho đánh giá bằng cảm tính dựa trên sự yêu ghét, ích kỷ hẹp hòi...".
Việc đánh giá dựa trên cơ sở thực chứng trước hết phải xem xét tinh thần, thái độ phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân, thể hiện ở trách nhiệm trong công việc, sự chủ động xử lý những công việc thuộc chức trách của mình vì lợi ích chung. Đó là khả năng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; thời gian làm việc và thời hạn hoàn thành nhiệm vụ...
Cũng theo ông Vân, dự luật muốn tạo ra bước đột phá thực sự thì "những nội dung trên phải được cụ thể hóa, cá biệt hóa theo từng vị trí chức danh việc làm, với từng thang điểm cụ thể và từng thời gian theo định kỳ đánh giá. Từng tiêu chí, khi đã được lượng hóa cụ thể chính là bằng chứng chứng minh phẩm chất, năng lực, trình độ của công chức, viên chức".
Chẳng hạn, một công chức A được giao xử lý một công việc cụ thể trong một thời hạn 10 ngày, nhưng đến hết ngày thứ 10 mà vẫn chưa thực hiện xong (trừ khi có tình huống bất khả kháng), coi như công chức đó không hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu được giao một công việc khác, với một thời hạn nhất định, nhưng công chức này cũng không làm tròn nhiệm vụ, bị trừ điểm.
Đến cuối năm, anh ta chỉ có 15/100 điểm chẳng hạn, nếu tập thể bỏ phiếu bình bầu anh ta là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực sự sẽ là điều dối trá!
Có nên cách chức người không còn giữ chức?
Sau một thời gian áp dụng hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hay nghỉ hưu, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định này vào dự luật.
Ủy ban Pháp luật đã đề nghị quy định rõ với từng đối tượng có hành vi vi phạm, cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp, hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà đối tượng đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu.
Ngoài ra, cần quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Tuy vậy, các ý kiến vẫn băn khoăn về hệ quả pháp lý đối với việc xóa tư cách, hoặc cách chức các vị trí mà người đã nghỉ việc, đã về hưu từng nắm giữ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, đã vi phạm phải xử lý nghiêm, nhưng "nếu xóa thì xóa cái đang tồn tại, không thể xóa cái không còn".
Bà Nga đề nghị tìm khái niệm để chỉ rõ rằng xóa là xóa các quyền lợi về tinh thần, vật chất mà người đó được hưởng từ chức vụ đã đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu.
Ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng xử lý kỷ luật đối với người về hưu thời gian qua chỉ mang tính chất tình thế, chưa phải là những quan hệ pháp luật ổn định.
Theo ông Vân, chúng ta đã có hệ thống các quy định để xử lý các sai phạm và gắn với nó là trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự... nhưng với trách nhiệm kỷ luật (các chế tài xử lý vi phạm cũng như quy trình xử lý) đến nay chỉ lác đác có trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức và một số văn bản dưới luật.
"Các hình thức chế tài như khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc... cũng chưa được cụ thể hóa đối với từng hành vi vi phạm, hoàn cảnh, sự tác động của hành vi ấy đối với công vụ và tâm lý xã hội" - ông Vân phân tích.
Dẫn câu chuyện ông Ngô Văn Tuấn (Thanh Hóa) bị cảnh cáo có hành vi "nâng đỡ không trong sáng" nhưng được bố trí vào vị trí thấp hơn chức vụ cũ, gây bất bình trong dư luận, ông Vân cho rằng cần phải đặt ra thêm một số chế tài phụ để ngăn chặn có điều kiện.
Cũng theo ông Vân, khi hệ thống pháp luật hoàn chỉnh các chế tài xử lý, đặc biệt là giúp phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm, sai phạm, không nhất thiết phải đặt ra hình thức xử lý như xóa tư cách, cách chức vụ mà người về hưu, người nghỉ việc đã từng nắm giữ.
* Ông NGUYỄN KHẮC ĐỊNH (chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật): Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng là công chức theo hướng không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Quan điểm này được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ủng hộ. Theo pháp luật hiện hành, những người thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là công chức nhưng lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Báo cáo của Chính phủ cho thấy những người này không được tính trong tổng số biên chế công chức, không được hưởng phụ cấp công vụ. Do đó, để thống nhất trong việc áp dụng chế độ, chính sách đối với cùng đối tượng quản lý (công chức) và phân biệt rõ hơn việc quản lý nhà nước với quản trị sự nghiệp công lập, quy định mới phù hợp với nghị quyết số 19-NQ/TW là: "Không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước". * Bà LÊ THỊ NGA (chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp): Không thể xóa chức vụ không còn Khi xóa tư cách bộ trưởng của một ông bộ trưởng A khi ông ấy không còn nắm giữ chức vụ đó nữa, sẽ đặt ra trường hợp: chức vụ này về mặt nhà nước là vấn đề lịch sử khách quan, đã từng tồn tại. Những việc ông A đã làm, đã ký với tư cách một chủ thể về mặt nhà nước và là của cơ quan đó. Như vậy, những văn bản ông A đã ký nếu không bị pháp luật bác bỏ vẫn còn hiệu lực. Trong khi ông A bị xóa tư cách, cách chức vụ từng nắm giữ, tính pháp lý của ông A ký khi còn nắm giữ chức vụ sẽ như thế nào? |
Theo Lê Kiên/Tuổi trẻ