Ngày 19.4, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an đã giải trình trước Uỷ ban Tư pháp vụ việc chưa khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi ôm hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy của chung cư tại quận 4 TP.HCM.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh Trần Vương
Xử lý còn chậm
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, vụ việc này hiện nay đang tiếp tục được Công an quận 4 TP.HCM điều tra, làm rõ, thụ lý theo đơn tố giác tội phạm về tội dâm ô với trẻ dưới 16 tuổi. “Còn việc khởi tố hay chưa chúng tôi chưa nhận được báo cáo”, tướng Vương cho biết.
Theo tướng Vương, qua báo cáo của Công an quận 4 thấy cơ quan này đã tiến hành làm việc với cháu bé có người giám hộ (mẹ cháu) cháu. Theo đó, ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Đà Nẵng) đã thực hiện ôm hôn 2 lần bên má trái. Lúc này tay trái ôm vào bụng, tay phải quàng qua phần đầu cháu, và một lần dùng tay phải từ phía sau kéo lại ôm, sau đó cháu bé bỏ chạy.
Camera ghi lại hình ảnh bé gái bị sàm sỡ trong thang máy.
Theo báo cáo ban đầu của Công an quận 4, khi làm việc với mẹ cháu có đề nghị Công an không tiếp tục điều tra xử lý đương sự đã ôm hôn cháu bé vì vụ việc không nghiêm trọng, không gây ảnh hưởng tới cháu bé.
Còn Nguyễn Hữu Linh khai nhận có uống một lon bia, sau đó trở về nhà con trai, khi vào thang máy thấy cháu bé đã hôn 2 lần vào má trái và 1 lần dùng tay phải ôm cháu bé từ phía sau vì thấy bé gái dễ thương, không có ý định xâm hại. Ông Linh cũng khai nhận đã từng công tác tại ngành Viện Kiểm sát.
Hiện Công an đã trích xuất giữ liệu hình ảnh camera trong thang máy chung cư, bổ sung một số vấn đề Viện Kiểm sát cùng cấp yêu cầu, trong đó có lời khai của bố cháu bé, tình trạng sức khỏe của cháu bé, tâm lý đương sự…
Trong vụ việc này cháu bé tuổi còn nhỏ, trong thang máy chỉ có ông Linh nên việc trích suất dữ liệu camera là rất quan trọng, phân tích từng chi tiết một.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, nguyên Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương cho rằng trong vụ việc ôm hôn bé gái của ông Nguyễn Hữu Linh, cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện một cách kịp thời dẫn đến dư luận bức xúc.
Theo nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, vụ việc này được cử tri, báo chí và các đại biểu Quốc hội phản ánh: Theo điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định, thời hạn 20 ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra phải ra một trong ba quyết định: Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định không khởi tố vụ án: Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh ở nhiều địa điểm thì mới có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng hoặc có thể gia hạn thêm 02 tháng nữa.
Việc điều tra gặp khó khăn
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định việc chưa đưa ra hình thức xử lý vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Hữu Linh đang tạo nên sự bức xúc trong dư luận rất lớn. Hằng ngày, tại văn phòng Chi hội Luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM lúc nào cũng rất nhiều kiến nghị vấn đề này.
"Thời gian không còn nhiều, có khởi tố được trong vòng 20 ngày không, thì cơ quan chức năng sớm thông báo. Nếu không khởi tố được phải có giải thích công khai, rõ ràng", bà Hoà nói.
Giải thích về việc dư luận cho rằng vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Hữu Linh không được xử lý nghiêm, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng chỉ ra một số vướng mắc mà cơ quan tố tụng gặp phải trong xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em nói chung.
Đó là việc thu thập chứng cứ khó khăn, do chỉ có 1 lời khai của bị hại, trong khi nhiều trường hợp các cháu còn rất nhỏ, lời kể của các cháu không phải ngay lúc đó mà sau nhiều tháng, nhiều năm sau mới kể cho cha mẹ, bạn bè. Chính vì vậy, khi tố cáo, điều tra xác minh nên tính kịp thời không còn. Thêm vào đó, nghi can không thừa nhận việc phạm tội.
Theo Vương Trần-Huyên Nguyễn/Lao Động