Sáng nay, 19/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - Bộ được đánh giá là có khối lượng công việc nghiên cứu, xây dựng đề án nhiều nhất trong các cơ quan của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi cán bộ, nhân viên của Bộ KH&ĐT. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cách đây gần 3 năm, ngay đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, ngày 21/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ KH&ĐT, cũng là cơ quan đầu tiên của Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đến làm việc trong nhiệm kỳ. Thủ tướng đã căn dặn và yêu cầu Bộ phải cải cách, đổi mới, phải là cơ quan có tầm nhìn chiến lược, tham mưu đúng, trúng nhiều giải pháp, chính sách cho Chính phủ cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ cơ quan Bộ, mà toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt lên chính mình, tiên phong, đi đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…
Bộ đã mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm, phù hợp với nguyên tắc thị trường như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf... Nhờ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện đáng kể, tinh thần khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia góp phần quan trọng trong thành tựu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đăng ký thành lập mới doanh nghiệp thời gian qua.
Là bộ có khối lượng công việc nghiên cứu, xây dựng đề án nhiều nhất trong các cơ quan của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã huy động mọi nguồn lực hoàn thành các nhiệm vụ với chất lượng cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT giữ vững được ngọn cờ cải cách, luôn đi đầu trong đổi mới, nhất là trong công tác kế hoạch hóa, một trong những nhiệm vụ chủ yếu của ngành và Bộ.
Trong năm “bứt phá” 2019, Bộ KH&ĐT sẽ tập trung một số trọng tâm như phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.
Gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tiến trình thực hiện 3 đột phá chiến lược, trọng tâm là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực và cơ cấu đầu tư công, tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả đột phá về hạ tầng.
Thủ tướng thăm Văn phòng Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế-Xã hội. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo gắn liền với ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển các mô hình sản xuất thông minh, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế.
Cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách ở mọi cấp, mọi ngành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0”.
Trước khi bắt đầu buổi làm việc, Thủ tướng đã đến thăm Văn phòng Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế-Xã hội.
Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn