Thủ tướng mong muốn bà con nêu lên những nguyện vọng với Chính phủ, đồng thời đề nghị các kiều bào đề xuất những sáng kiến phát triển quê hương
Chiều ngày 26/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ 100 kiều bào tiêu biểu, đại diện cho 4,5 triệu kiều bào Việt Nam tại nước ngoài về Việt Nam dự chương trình chương trình Xuân Quê hương 2019, chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng mong muốn, bằng các biện pháp hiệu quả, sáng tạo, bà con kiều bào hãy quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, đưa hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống phân phối của nước sở tại.
Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng mong muốn bà con Việt Kiều phát biểu các ý kiến, nêu lên những nguyện vọng với Chính phủ, đồng thời đề nghị các kiều bào đề xuất những sáng kiến đóng góp phát triển quê hương đất nước.
Với tinh thần đó, nhiều Việt kiều đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, hướng về Tổ quốc thân yêu. Các kiều bào vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước thời gian qua, trong đó có sự đóng góp của những kiều bào đầu tư về trong nước.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân, cựu chuyên gia bảo mật Microsoft, đồng sáng lập công ty an ninh mạng Veramine ở Mỹ, cho biết, ông cùng một số đồng nghiệp đã ra khỏi Microsoft sau 6 năm làm việc để khởi nghiệp và thành công. Hoan nghênh Chính phủ đang thúc đẩy quốc gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong giới trẻ, ông mong muốn chia sẻ và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
"Công ty tuy còn mới nhưng đã có những hợp đồng an ninh mạng với các cơ quan an ninh mạng quan trọng nhất của Mỹ, hay các tổ chức tài chính lớn. Công ty quyết định toàn bộ thu nhập của công ty tại Việt Nam sẽ đầu tư trở lại Việt Nam. Nghĩa là tiền của Việt Nam sẽ trở lại Việt Nam. Như vậy các sản phẩm của công ty được đặt hàng sẽ không chỉ góp phần đảm bảo an ninh mạng của Việt Nam mà còn giúp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam", Tiến sĩ Nguyễn Duy Lân nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều Mỹ, một trong những Việt kiều đầu tiên đầu tư về quê hương và hiện đang rất thành công, thì cho rằng, hiện nay, Việt Kiều đầu tư vào trong nước còn hạn chế. Do đó, ông đề nghị thành lập một quỹ đầu tư của các Việt Kiều để đầu tư về trong nước. Ông đưa ra lời khuyên với các kiều bào rằng hãy đầu tư về Việt Nam bởi Chính phủ đang cải cách rất mạnh mẽ, hiệu quả. Ông tin tưởng, nếu 1 tỷ USD đầu tư về Việt Nam, sau 5 năm có thể tăng lên 5 tỷ USD.
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cho rằng, chúng ta còn một “mỏ vàng” lộ thiên, đó chính là bà con kiều bào tại nước ngoài, mà đặc biệt là các tri thức trẻ. Trong đó rất nhiều người mong muốn đóng góp cho quê hương, đất nước. Do đó, ông đề nghị Chính phủ có chính sách thuận lợi hơn nữa để thu hút tài năng, trí tuệ, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ thì chúc mừng những thành tựu cải cách của Chính phủ trong ngành ngân hàng một cách “mạnh tay” thời gian qua mà ít Chính phủ nào làm được. Điều đó là rất quan trọng để đảm bảo cho một nền kinh tế lành mạnh và phát triển trong tương lai.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp gỡ các kiều bào tiêu biểu, qua các kiều bào, gửi đến 4,5 triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài lời thăm hỏi ân cần, lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc Kỷ Hợi 2019.
Cùng với chương trình Xuân Quê hương đã được tổ chức tốt những năm qua, Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các chương trình phong phú hơn, đặc sắc hơn, để đáp lại tình cảm sâu sắc của bà con quê hương hướng về Tổ quốc.
Thủ tướng đánh giá cao bà con đã nêu lên nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp cho quê hương, đất nước, trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến sự đóng góp của các chuyên gia và trí thức Việt kiều. Thủ tướng mong muốn bà con tiếp tục đóng góp cho đất nước thông qua nhiều kênh khác nhau. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến tâm huyết, xây dựng của bà con.
Nhân dịp này, Thủ tướng đã thông tin đến bà con kiều bào những nét chính về thành tựu kinh tế xã hội những năm qua đạt được là toàn diện, vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng lên. Trong đó, quy mô kinh tế ngày càng lớn và hiện đã 5,5 triệu tỷ đồng; tăng trưởng kinh tế cao, xuất siêu lớn; cải cách thể chế được đẩy mạnh; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện hướng tới tiêu chuẩn OECD. Đảng, Nhà nước cũng đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và đã xử lý nhiều sai phạm; luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng mong muốn ngày càng nhiều nhà đầu tư Việt kiều đầu tư vào Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP và sắp tới là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU. Cơ hội cho các nhà đầu tư là rất lớn không chỉ Việt Nam mà là các thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết hiệp thương mại định tự do.
Nêu lên những thành quả đó, Thủ tướng nhấn mạnh sự đóng góp quan trọng của bà con Việt kiều, đồng thời một lần nữa khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người Việt Nam ở mọi nơi trên thế giới.
"Lãnh đạo các nước tôi gặp họ rất ca ngợi về Việt Nam. Không có cuộc nói chuyện nào với Thủ tướng hay Tổng thống các nước mà tôi không lưu ý rằng, các ngài phải bảo về quyền con người, quyền công dân của bà con Việt kiều. Họ đều đồng ý và thể hiện quý mến người Việt Nam. Vị thế của Việt Nam hiện nay khác xưa rất nhiều, trong đó có sự phát triển trong nước mạnh mẽ, bền vững, bên cạnh đó có vai trò của bà con Việt kiều. Chưa bao giờ Diễn đàn Kinh tế thế giới đã tổ chức một phiên đối thoại của Thủ tướng với Chủ tịch WEF và được truyền trực tuyến trên mạng chính thức toàn cầu của WEF với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”. Hội nghị Davos lần này, vị thế của Việt Nam được khẳng định hơn, trong đó có vai trò đóng góp của bà con Việt kiều", Thủ tướng nói.
Thủ tướng bày tỏ sự cảm động việc nhiều bà con kiều bào dày công, tâm huyết, sưu tầm các bản đồ, tài liệu cổ có giá trị chứng minh chủ quyền lâu đời của Việt Nam trên biển Đông.
Thời gian tới, Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào tiếp tục gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc trong từng gia đình, nhất là quan tâm giáo dục, dạy tiếng Việt cho con em. Cùng với đó là thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của các kiều bào trẻ về trong nước.
Cho biết hiện có khoảng 200 dự án đầu tư với số vốn khoảng 5 tỷ USD của Việt kiều về trong nước, Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều các dự án đầu tư của bà con, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Trong 480 tỷ USD kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước năm qua, Thủ tướng cho rằng, có sự đóng góp của bà con kiều bào với vai trò cầu nối. Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào tiếp tục đóng góp thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước, nhất là hoạt động thương mại và đầu tư, kêu gọi vốn đầu tư vào Việt Nam, mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Nhắc lại phương châm 12 chữ của Chính phủ năm 2019: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá, Thủ tướng đề nghị bà con kiều bào chung sức, cùng đóng góp để tạo sự “bứt phát” như mục tiêu đề ra. Trong đó, việc cần làm đầu tiên là thúc đẩy sự đoàn kết trong nội bộ bà con Việt kiều.
Bằng các biện pháp hiệu quả, sáng tạo, Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào hãy quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài, đưa hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống phân phối của nước sở tại. Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào tiếp tục thúc đẩy đầu tư về Việt Nam, “góp gió thành bão”, tạo nguồn lực đầu tư lớn của kiều vào về trong nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đã trao đổi về một số kiến nghị của bà con kiều bào, trong đó có sáng kiến tổ chức 'Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu. Thủ tướng cho biết Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang phối hợp nghiên cứu, đề xuất bước đi phù hợp. Thủ tướng cũng cho ý kiến về vấn đề địa vị pháp lý của bà con tại một số địa bàn, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục đàm phán, trao đổi với nước sở tại, tạo điều kiện để bà con ổn định trong thời gian sớm nhất./.
Theo Vũ Dũng/VOV