Phát biểu tại hội nghị ngành ngân hàng sáng 9.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc xử lý nợ xấu của Ngân hàng nhà nước, song cũng yêu cầu không được chủ quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngành ngân hàng ngày 9.1ẢNH ANH VŨ
Đối với ngành ngân hàng, Thủ tướng nhấn mạnh một vài con số là điểm sáng trong năm 2018. Thứ nhất, mua vào 10 tỉ USD, tăng dữ trự ngoại hối lên con số kỷ lục hơn 60 tỉ USD. “Mấy ngày gần đây tôi biết các đồng chí đang tiếp tục mua vào để tăng dự trữ. Rất tốt”, Thủ tướng nói.
Con số thứ hai là tăng trưởng tín dụng 14% thấp hơn 2017 nhưng GDP cả nước lại tăng 7,08%. Điều đó cho thấy điều gì? Thủ tướng đặt câu hỏi và phân tích, dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã được “bơm” vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu. Bằng chứng, xuất siêu năm nay cũng đạt con số ấn tượng hơn 7 tỉ USD.
Theo Thủ tướng, nợ xấu đã được kéo giảm từ mức 2,46% trước đó xuống chỉ còn 1,89% tổng dư nợ. Đáng chú ý, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 900.000 tỉ đồng nợ xấu. “Tôi có hỏi một số đồng chí ngân hàng, cục máu đông nợ xấu đang nhỏ dần, nhiều nơi đã tan đi. Do các yếu tố vĩ mô tốt, nhưng cũng nhờ điều hành quyết liệt, hiệu qủa của ngành ngân hàng”, Thủ tướng ghi nhận.
Về mặt còn tồn tại, Thủ tướng lưu ý, vừa qua các ngân hàng hoạt động tốt hơn nhưng năng lực chưa cao, sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh chưa hợp lý. “Trình độ quản lý điều hành của chúng ta chưa cao, công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với thế giới”, Thủ tướng nói.
Đối với hoạt động tín dụng đen, theo Thủ tướng, thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Tín dụng đen cho vay lãi suất cắt cổ đối vơi người yếu thế, từ thành thị đến nông thôn, bản làng lo hơn là đòi nợ xã hội đen… biến người dân thành những chị Dậu mới”, Thủ tướng dẫn lời của một đại biểu Quốc hội để nhắc nhở.
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, hiện có một tỷ lệ dân số cao chưa tiếp cận được với tín dụng, điều đó cho thấy ngành ngân hàng chưa mang dịch vụ tín dụng đến với người dân, đặc biệt vùng sâu, vùng xa. Do đó, cần kịp thời tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng.
Thủ tướng lưu ý thêm việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng còn chậm so với yêu cầu, một số ngân hàng gặp khó khăn. Công tác kiểm soát nội bộ, thanh tra cần kịp thời hơn và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng gần đây đã được chấn chỉnh, nhưng không được sở hở, tiếp tay cho tổ chức tín dụng như thời gian qua. Thanh tra phải làm cho xong, không được kéo dài.
“Một số việc tồn tại có thể làm mất niềm tin trong dân. Phẩm chất đạo đức của nhân viên ngân hàng rất quan trọng, các ông chủ ngân hàng ngồi đây cần phải chú ý”, Thủ tướng nói.
Theo Anh Vũ/Thanh niên