Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nêu quy định miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh THCS. Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, chỉ băn khoăn về việc tiền đâu để thực hiện.
Thảo luận về quy định miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh THCS được bổ sung trong dự thảo luật, đa số các ĐB phát biểu đều bày tỏ đồng tình, cho rằng điều đó là cần thiết, phù hợp và từng bước thực hiện nghị quyết của Đảng.
ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng).
ĐB Ngô Thị Kim Yến (TP.Đà Nẵng) đồng tình việc miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi trường công lập và hỗ trợ học phí đối với tư thục và dân lập quy định tại Điều 97. Tuy nhiên, ĐB đề nghị Chính phủ cân nhắc cân đối nguồn lực để có thể mở rộng hơn đối với đối tượng là trẻ em mầm non 3 tuổi, 4 tuổi.
Tuơng tự, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) nói: “Mặc dù Chính phủ đã thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí với trẻ mầm non 5 tuổi tại Nghị quyết số 104 ngày 8.8.2018, nhưng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi”.
ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước).
Còn ĐB Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, bên cạnh việc miễn học phí cho học sinh 5 tuổi, việc miễn học phí cho học sinh THCS là “cần thiết và rất có ý nghĩa, sẽ thúc đẩy phát triển giáo dục, tạo sự bình đẳng, mang lại cơ hội học tập cho người học”.
Tuy nhiên, ĐB đề nghị cần rà soát, cân đối ngân sách nhà nước, điều chỉnh cơ cấu chi hợp lý, bởi vì còn phải quan tâm hỗ trợ người học thuộc diện chính sách vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Tôi thiết nghĩ nếu đã đề ra chính sách thì cần bố trí nguồn lực đầy đủ thì mới khả thi” – ĐB Lượng nói.
Theo Xuân Hùng - Thành Trung/Báo Lao động