Ông Vũ Trọng Kim cho rằng công việc của cán bộ là giải quyết vấn đề của người dân chứ không phải "thăm chỗ nọ chỗ kia".
Sáng 14/11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận ở hội trường về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vừa qua còn tồn tại tình trạng thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc có tính chất phức tạp", ông Khái nói.
Đại biểu Vũ Trọng Kim - Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần dùng "biện pháp mạnh" để xử lý, khắc phục bằng được tình trạng nêu trên. "Đơn thư của người dân cần được phân loại, cái nào đúng phải giải quyết, không đúng cũng phải trả lời để dân hiểu; chính quyền không được né tránh, chuyển đơn thư lòng vòng", ông nhấn mạnh.
Ông Vũ Trọng Kim phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội
Theo ông Kim, cán bộ không thể lấy lý do bận công việc để từ chối tiếp công dân, bởi vì hành chính nhà nước là giải quyết công việc của người dân. "Đời sống mọi mặt của xã hội hàng ngày liên quan đến pháp luật, từ khai sinh, khai tử, làm nhà... đều liên quan đến chính quyền. Người dân có quyền đề nghị, yêu cầu lãnh đạo giải quyết đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Khi đó, lãnh đạo không được né tránh", ông Kim nêu ý kiến.
Nhắc lại quy định của Luật Tiếp công dân là Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, Chủ tịch UBND cấp xã mỗi tuần một lầ, ông Kim cho rằng: "Hàng năm, vị lãnh đạo nào không thực hiện được việc đó theo đúng quy định thì phải rời ghế. Việc của cán bộ là giải quyết vấn đề của dân chứ không chỉ đi họp với cơ quan này, cơ quan khác, thăm chỗ nọ chỗ kia".
"Cán bộ cần bớt vô cảm"
Ông Nguyễn Văn Pha - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhận định, những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua có phần trách nhiệm của chính quyền một số địa phương.
Dẫn chứng câu chuyện năm 2015, thực hiện chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và một số bộ ngành, ông Pha dẫn đầu đoàn liên ngành đến một tỉnh phía Nam xem xét một vụ án dân sự tồn tại dai dẳng.
Hồ sơ tính đến 2015 của vụ án này đã có hiệu lực 14 năm, toà án các cấp xử 4 lần, trong hồ sơ có đầy đủ văn bản của các cơ quan chức năng khẳng định vụ án đã xét xử đúng pháp luật, không có căn cứ để xem xét kháng nghị.
Tuy nhiên, khi làm việc, lý do duy nhất địa phương đưa ra là "người thi hành án năm nay đã 80 tuổi, lúc nào cũng thủ can xăng trong nhà và nói nếu cưỡng chế sẽ đốt". Phó chủ tịch UBND tỉnh - trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự địa phương trả lời là đang chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nên xin phép "Đại hội xong sẽ giải quyết".
"Thời gian trôi qua, vị Phó chủ tịch đã lên chức vụ rất cao. Nhưng năm 2016, khi tôi chuyển công tác khác thì vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Như vậy, nếu như chúng ta bớt vô cảm khi phục vụ nhân dân, coi khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà mình thì chắc vụ việc không tồn tại lâu như thế", ông Pha nói.
Đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là một số cấp huyện, cấp xã; điều này gây nên tình trạng khiếu kiện vượt cấp.
Theo ông, nếu khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, có tình có lý ngay từ cơ sở thì người dân sẽ đồng tình chấp thuận. Ngược lại sẽ phức tạp và đơn thư vượt cấp.
"Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu; lãnh đạo phải tôn trọng và thực hiện một các nghiêm túc, cầu thị chứ không phải chiếu lệ, làm cho xong", ông Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân tăng về số lượng đơn thư, số vụ việc thuộc thẩm quyền so với năm 2017. Cụ thể, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo tăng 11,8%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước tăng 4,7%.
Trong lĩnh vực đất đai, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đúng trình tự, thủ tục, không tạo sự đồng thuận với người dân trước khi thực hiện.
"Còn có tình trạng lạm dụng quy định nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa thỏa đáng, thiếu công khai, minh bạch, công bằng...", ông Khái nêu.
Theo Hoàng Thùy/VnExpress