Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão đánh giá: Công tác tiếp dân ở một số nơi còn biểu hiện hình thức, hiệu quả trong công tác tiếp dân chưa được nâng cao...
Hôm nay (13/11), theo chương trình, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Bên lề Quốc hội, một số đại biểu cho rằng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của các cơ quan có thẩm quyền đã có những điểm đổi mới rõ nét.
Các cơ quan trong hệ thống chính trị đã có sự phối hợp giữa các bên liên quan để phân công trách nhiệm theo thẩm quyền đối với công tác tiếp dân, cũng như giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, tổ chức, trong đó chú trọng tổng rà soát các vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp và đông người. Tuy nhiên, tại một số địa phương trong quá trình xây dựng và phát triển vẫn còn tình trạng người dân khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai.
“Thời gian vừa qua, cũng đã giảm thiểu được khiếu nại tố cáo, đặc biệt là vượt cấp. Tuy nhiên, từ thực tiễn địa phương, cũng như qua báo cáo, đặc biệt là những địa phương đang trong quá trình xây dựng, phát triển, khiếu nại tố cáo về đất đai, môi trường, trên lĩnh vực đền bù, giải tỏa đang là vấn đề nóng. Người dân, dư luận xã hội cũng hết sức quan tâm” - đại biểu Lý Tiết Hạnh, đoàn Bình Định nhận định.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, đoàn Bình Phước nêu thực tế, qua giám sát, các bộ ngành đã trả lời cơ bản những kiến nghị của cử tri gửi qua các Đoàn Đại biểu Quốc hội. Mặc dù vậy, những câu trả lời của một số bộ, ngành chưa đáp ứng được như mong đợi của cử tri. Có những vấn đề khiếu kiện kéo dài, dẫn đến phát sinh các tình tiết phức tạp.
Do không theo dõi được các vụ việc cụ thể, nhiều người gửi đơn khiếu nại đến nhiều ban ngành, cơ quan, khiến văn bản chỉ đạo đi lòng vòng và không thống nhất. Có trường hợp địa phương đã xử lý, nhưng vẫn nhận được văn bản của Trung ương gửi về đề nghị xem xét vụ việc. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất, nên có phần mềm để theo dõi quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Chúng tôi phải ngồi lại với nhau để thống nhất quan điểm trả lời đơn thư khiếu nại này là như thế nào. Phân tích, mổ xẻ để có quan điểm trả lời đúng pháp luật, đúng yêu cầu kiến nghị của cử tri. Chúng ta tránh trả lời theo quan điểm khác nhau giữa cơ quan này với cơ quan khác. Có những vụ việc mà cơ quan Nhà nước không sai những quan điểm giải quyết khác nhau, làm cho người khiếu nại cho rằng cơ quan Nhà nước sai và không thống nhất”- đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho biết.
Đại biểu Trần Văn Mão, đoàn Nghệ An cũng nhận định, quá trình tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo vẫn còn bộc lộ những điểm hạn chế đó là nhiều vụ việc chưa phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền để có thể giải quyết vụ việc ngay từ khi mới phát sinh. Công tác tiếp dân ở một số nơi còn biểu hiện hình thức, hiệu quả trong công tác tiếp dân chưa được nâng cao và chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của luật.
“Để giảm bớt các vụ việc phức tạp kéo dài, đông người, tránh tạo ra điểm nóng, trước hết phải đưa vào trong quy chế phối hợp đó là thể hiện trách nhiệm của các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, phân định rõ trách nhiệm đó. Thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật giải quyết đến đâu và tập trung việc tăng cường đối thoại, giải thích, hướng dẫn tuyên truyền cho các đối tượng khiếu nại tố cáo, đặc biệt là trong những vụ việc đông người phức tạp, để trên cơ sở đó phối hợp giải quyết dứt điểm vụ việc đó”- đại biểu Trần Văn Mão, đoàn Nghệ An đề nghị./.
Theo Minh Hường-Thành Trung/VOV.VN