Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, đặc xá cần minh bạch, phải làm tốt khâu giám sát, không thể "phó mặc" người được đặc xá cho địa phương.
Sáng nay (7/11), Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đặc xá (sửa đổi). Nhiều đại biểu đánh giá đây là chế định thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và hợp lòng dân, song cũng bày tỏ quan ngại về việc lợi dụng các quy định đặc xá để "thả" người theo mục đích riêng.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, quá trình lựa chọn người được tha tù trước thời hạn, đặc xá cần minh bạch, cần giám sát quá trình này.
Đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá, đặc xá là một tập quán cần thiết, thể hiện tính nhân đạo và khích lệ những người hoàn lương, đồng thời hạn chế tình trạng quá tải tại các trại giam. "Thực tế, chúng ta có nhiều cách giam giữ, giám sát, không chỉ có việc cách ly khỏi xã hội. Do vậy, việc tạo ra một môi trường tốt cho người được đặc xá hòa nhập chính là môi trường để họ cải tạo tốt nhất", ông Quốc nêu quan điểm.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: Cần phải giám sát quá trình đặc xá và tạo môi trường tốt để người được đặc xá hòa nhập và tiếp tục cải tạo.
Chia sẻ về vấn đề tha tù trước thời hạn, ông Quốc nhìn nhận việc này cũng như đặc xá, dựa trên kết quả phấn đấu và cải tạo của người vi phạm để rút ngắn thời gian cách ly khỏi xã hội. "Theo tôi, đây cũng là một giải pháp nhân đạo và phù hợp với hoàn cảnh thực tế", ông Quốc nói.
Nhưng điều quan trọng hơn, theo đại biểu Dương Trung Quốc, khi người phạm tội rời khỏi nhà tù có về được với môi trường sống lành mạnh hay không và trong quá trình lựa chọn người được tha tù có minh bạch và đúng tiêu chuẩn hay không, ai là người giám sát việc này.
Bình luận về việc người được tha tù trở về địa phương sẽ hòa nhập như thế nào, ông Quốc cho rằng, gánh nặng lớn nhất chính là địa phương, vì họ phải tiếp tục giám sát thay công việc các trại giam phải làm. Ở đây cũng rất dễ nảy sinh ra yếu tố tiêu cực, trong khi tại nhiều nước đã ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát sự di chuyển và vị trí của người được tha tù, bên cạnh đó là môi trường giám sát rất tốt của toàn xã hội.
Ông Quốc cũng chỉ rõ, khi "đùn đẩy" trách nhiệm cho nhau trong quản lý người được đặc xá trở về địa phương thì chắc chắn sẽ nảy sinh ra môi trường tiêu cực. Hiện nay, gần như đang "phó mặc" cho chính quyền địa phương. Nếu chính quyền địa phương nghiêm túc thì người được tha tù có cơ hội hòa nhập cộng đồng nhanh hơn, còn không, đây sẽ lại là cơ hội cho tiêu cực phát triển trong bộ máy quản lý.
Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), trong Luật đặc xá, việc quy định tha tù trước thời hạn là rất quan trọng, giúp người chấp hành hình phạt phấn đấu để cải tạo tốt, sửa chữa lỗi lầm của mình để trở thành người có ích cho xã hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần tạo công ăn việc làm để người được ân xá cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, Luật cần quy định rõ điều kiện được đặc xá, chế tài đối với người được đặc xá. Luật đặc xá cũng cần bổ sung trách nhiệm của đơn vị thẩm định liên ngành, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao trong thực hiện công tác đặc xá.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trách nhiệm của chính quyền địa phương là kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, cần tạo công ăn việc làm để người được ân xá cải thiện cuộc sống, sinh hoạt và trở thành công dân tốt./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN