Thủ tướng nhấn mạnh, các nhà đầu tư Nhật Bản của Việt Nam đang được xem là một trong những hình mẫu của các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam.
Sáng 10/10, tại Thủ đô Tokyo, nhân chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Me Kong– Nhật Bản và thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam với chủ đề: Cơ hội mới, tầm nhìn mới trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản phối hợp tổ chức với có sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành của Nhật Bản và khoảng 1.200 đại biểu, chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là hoạt động xúc tiến đầu tư quy mô lớn được tổ chức tại Tokyo-Nhật Bản có sự tham dự của Thủ tướng. Lần thứ nhất vào dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản tháng 6/2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV bên lề hội nghị, ông Tetsu Funayama, Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam khẳng định, Việt Nam là một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng và hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản, thể hiện ở lượng vốn đầu tư Nhật Bản đứng đầu tại Việt Nam trong năm ngoái. Ông dự báo sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
“Như các doanh nghiệp Nhật Bản, có 4 lĩnh vực chúng tôi rất quan trọng là cơ sở hạ tầng, bán lẻ, y tế và công nghệ thông tin. Một doanh nghiệp không thể tự giải quyết các vấn đề mà luôn cần có một “sân khấu” đối thoại giữa doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam. Tôi đã có cơ hội đối thoại hai lần với lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt-Nhật là cơ hội trực tiếp thảo luận giữa doanh nghiệp Nhật Bản với Chính phủ Việt Nam. Hội nghị hôm nay cũng là cơ hội tốt để tháo gỡ các vướng mắc, mở rộng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Tôi hy vọng quan hệ hai nước Việt Nam-Nhật Bản sẽ mạnh mẽ hơn nữa” – ông Tetsu Funayama cho biết.
Trước 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh quan hệ hai nước đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp trên mọi mặt. Lãnh đạo cấp cao hai nước có quan hệ tin cậy chiến lược. Bên ngoài các cuộc tiếp xúc ngoại giao, lãnh đạo hai nước còn là những người bạn thân quý, hiểu nhau, sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho quan hệ đối tác và hợp tác cho doanh nghiệp hai nước. Đây là tài sản quý giá, bởi điều này góp phần làm tăng giá trị tài sản cho doanh nghiệp hai nước trong mối quan hệ hợp tác và đầu tư lẫn nhau.
Thủ tướng nhấn mạnh, Nhật Bản là đối tác quan trọng của Việt Nam khi là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, đứng thứ 2 về FDI và thứ 4 về thương mại. Hiện nay có trên 100.000 học sinh, thực tập sinh, du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản và cũng ngày càng nhiều du học sinh Nhật Bản đến giao lưu học tập ở Việt Nam.
Tiềm năng đầu tư tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật Bản là rất lớn bởi Việt Nam có môi trường chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; có địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại chiến lược quan trọng trong khu vực và trên thế. Bên cạnh đó, Việt Nam có thị trường chứng khoán thuộc nhóm thị trường tăng trưởng cao nhất thế giới.
Việt Nam cũng được đánh giá là công xưởng mới của thế giới, là trung tâm công nghiệp mới với độ mở thương mại 200%GDP. Cho biết có 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sắp ký, Thủ tướng nhấn mạnh đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo Ngân hàng Thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu và dự kiến đạt mức 33 triệu người, tương đương 33% dân số vào năm 2022.
Đông đảo các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam dự hội nghị, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Nhấn mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới...đã thường xuyên đánh giá cao và thăng hạng môi trường đầu tư của Việt Nam. Trong đó Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei công bố tháng 7/2018 Việt Nam đạt 54,9 điểm, cao nhất trong khối ASEAN.
Thủ tướng cũng cho biết, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, có 70% số doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, và lý do chính được đưa ra là doanh thu tiếp tục được kỳ vọng tăng.
Cho biết cách đây 5 năm, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng nhắc lại, chiến lược này ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp là điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông-thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phục tùng ô tô.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang chuyển dần động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động chất lượng cao. Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử-chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, hàng không, khách sạn chất lượng cao, du lịch...
“Các bạn có hỏi chúng tôi rằng có cái mới gì mà Việt Nam xúc tiến đầu tư lần này? Có 3 việc tương đối mới so với trước đây, đó là Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với việc bán cổ phần lớn về vận tải, hàng không, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Tôi hoan nghênh các doanh nghiệp của Nhật Bản có tiềm lực mạnh về tài chính, năng lực quản trị tốt, có mạng lưới thị trường quốc tế sẽ trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam” – Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao như hệ thống giao thông, năng lượng, viễn thông, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp theo nhiều hình thức linh hoạt trong cảnh Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy chương trình hạ tầng chất lượng cao ra khu vực Me Kong.
Cùng với đó, Việt Nam đang phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối các hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực và toàn cầu, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam theo các thủ tục đơn giản về chuyển nhượng vốn, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến hai bên ký kết, trao các biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư.
Theo Thủ tướng, các nhà đầu tư Nhật Bản của Việt Nam đang được xem là một trong những hình mẫu của các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam, về sự kiên nhẫn, ý chí quyết tâm, tính kỷ luật, sự trung thực và cả tính hiệu quả trong đầu tư. Vốn đầu tư của Nhật Bản đang đóng vai trò dẫn động và làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các dòng vốn FDI vào Việt Nam. Hiện tại có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, tính cạnh tranh, hàm lượng kỹ thuật cao và tham gia tích cực vào hoạt động xuất khẩu.
Với những kết quả hợp tác tích cực đạt được, Thủ tướng tin tưởng, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ có nhiều ý tưởng và đề xuất mới, đặc biệt là đề xuất các giải pháp, khuyến nghị, cách thức để biến các ý tưởng đó thành các dự án đầu tư cụ thể tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và các doanh nghiệp Nhật Bản hãy đến Việt Nam để cùng phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương... hai nước với tổng trị giá gần 10 tỷ USD./.
Theo Vũ Dũng/VOV