Hơn 80 năm hoạt động từ những ngày tiền khởi nghĩa cho tới khi đất nước đổi mới, hội nhập; hàng thập kỷ đảm nhận những chức vụ lãnh đạo cao nhất trong bộ máy nhà nước… cuộc đời, sự nghiệp của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để lại nhiều dấu ấn. Sáng 7/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tưởng nhớ những đóng góp to lớn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong điếu văn tại lễ truy điệu ông…
10h, Cỗ linh xa chở linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lăn bánh chầm chậm trên đường phố Hà Nội.
9h51’, Cỗ linh xa lăn bánh. Theo sau linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng...
9h44’, Đội tiêu binh thận trọng đặt linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười lên linh xa. Giây phút tiễn biệt tĩnh lặng, chỉ có tiếng nhạc trầm buồn.
Quốc kỳ được phủ lại lên linh cữu nguyên Tổng Bí thư. Đội tiêu binh thực hiện từng động tác theo hiệu lệnh trong nghi thức trang trọng của lễ Quốc tang. Các sỹ quan hạ lồng kính lên cỗ linh xa, bảo vệ linh cữu nguyên Tổng Bí thư. Linh xa sẽ dừng trước nhà số 11 phố Phạm Đình Hổ, ngôi nhà gắn bó với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và gia đình trong nhiều năm tháng.
9h42’, Đoàn di quan di chuyển ra tới cỗ linh xa đã được chuẩn bị sẵn. Trên cỗ linh xa có gắn nòng đại bác, tượng trưng cho sự uy nghiêm, được dùng trong các lễ Quốc tang. Linh xa sẽ đi qua các tuyến phố của Hà Nội, rẽ qua ngôi nhà nguyên Tổng Bí thư sống lúc sinh thời trước khi đưa ông thực hiện hành trình cuối cùng về đất mẹ.
9h32’, Đội huy chương, quân kỳ vào vị trí. Khung huy chương, hương án thờ nguyên Tổng Bí thư được hạ xuống một cách cẩn trọng, chuẩn bị cho lễ di quan. Một sỹ quan thận trọng gấp lá cờ Tổ quốc phủ trên linh cữu.
Các sỹ quan trong trang phục màu trắng rước di ảnh, khung gắn huân huy chương, lá quốc kỳ di chuyển trước, theo sau là gia quyến rước bát hương.
9h27’, Ban Tổ chức lễ tang yêu cầu lực lượng tiêu binh chuẩn bị cho lễ di quan nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Đội nghi lễ đưa vòng hoa ra xe, rước di ảnh... ra khỏi phòng tang lễ. Dưới phòng tang lễ, phía bên trái là gia quyến, thân nhân nguyên Tổng Bí thư, phía bên phải, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành đứng nghiêm trang.
9h23’, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để lần cuối nói lời từ biệt ông.
9h15', Ông Nguyễn Duy Trung, con trai nguyên Tổng Bí thư đại diện gia đình nguyên Tổng Bí thư phát biểu đáp từ.
Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại lễ truy điệu hôm nay đã nói lên công lao của nguyên Tổng Bí thư với đất nước. Đây là niềm tự hào của gia đình, dòng tộc nguyên Tổng Bí thư. Ông Trung bày tỏ, toàn gia nguyện vì những điều đó để phấn đấu theo gương của bố, của ông, của cụ mình.
“Thưa bố kính yêu, từ nay trong căn nhà ấm cúng, chúng con không còn bố nữa. Chiếc bàn gỗ đơn sơ nơi bố vẫn ngồi làm việc giờ không còn bóng dáng bố nữa. Bố đã về sum họp bên mẹ của chúng con. Có những điều bố dạy chúng con chưa làm được, chúng con nguyện sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng thực hiện…” – con trai nguyên Tổng Bí thư nói.
Ông Trung gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tổ chức tang lễ trang trọng cho nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cảm ơn các đoàn ngoại giao, lãnh đạo bạn bè quốc tế đã gửi lời chia buồn, cảm ơn các y bác sĩ đã hết lòng cứu chữa, chăm sóc nguyên Tổng Bí thư những ngày cuối đời.
9h4’, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban lễ tang đọc lời điếu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở đầu, trong nhiều tiếc thương vô hạn, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng đồng chí, đồng bào, bạn bè và gia đình tổ chức trọng thể lễ tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về nơi an nghỉ cuối cùng.
"Đồng chí mất đi là mất mát lớn với đất nước, nhân dân, với gia quyến đồng chí, để lại niềm thương tiếc to lớn với nhân dân cả nước", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời điếu
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo tại Thanh trí, ông Đỗ Mười đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1936 ông bắt đầu tham gia cách mạng, 1939 đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1040 bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hoả Lò.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ông đã nhiều lần vào sinh ra tử, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, như Bí thư các tỉnh Hoà Bình, Nam Định, Thái Bình… làm Bí thư Thành uỷ kiêm Quân uỷ thành phố Hải Phòng, tham gia việc giải phóng cảng Hải Phòng…
Sau khi đất nước hoà bình thống nhất, ông được Đảng và nhà nước giao nhiều trọng trách như Thứ trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Chủ nhiệm UB Vật giá, Bộ trưởng Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi tới Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng…
Trong những năm đầy khó khăn của thập niên 1990, ông đã cùng lãnh đạo đất nước chỉ đạo, điều hành từng bước quá trình đổi mới, chống lạm phát hiệu quả, đưa đất nước từng bước vượt qua khó khăn, ổn định phát triển.
Trong bối cảnh đất nước bị bao vây cấm vận, là Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, ông cũng luôn bám sát chỉ đạo của Đảng để điều hành đất nước theo chủ trương độc lập tự chủ. Từ những thực tiễn phong phú, khi trở thành Tổng Bí thư Đảng, ông đã cùng tập thể Bộ chính trị, Ban Bí thư đoàn kết để thực hiện những nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ông đã có nhiều thành tích xuất sắc trong suốt 80 năm hoạt động, kiên định con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Là người đảng viên được tôi luyện qua nhiều chục năm thử thách, ông đã trở thành người cộng sản kiên trung, dù ở cương vị nào cũng nhiệt huyết đóng góp cho các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ông rất chú trọng việc xây dựng Đảng, kiên quyết đấu tranh với tệ quan liêu, xa dời thực tiễn, luôn nhắc nhở cán bộ việc phải rèn luyện, tu dưỡng, gắn bó với nhân dân, sống giản dị, khiêm tốn, vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Đảng, của nước của nhân dân lên trên hết.
Trong gia đình, ông là người chồng, cha, ông, cụ đức độ, giàu đức hi sinh và lòng nhân ái. Với 102 tuổi đời, 81 năm tuổi Đảng, nguyên Tổng Bí thư đã cống hiến hết mình, đã được nhà nước ghi nhận, trao nhiều huân huy chương cao quý.
"Nguyện đoàn kết một lòng noi gương đồng chí cùng toàn đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng đất nước theo lý tưởng Bác Hồ đã chọn lựa, để xây dựng Việt Nam thành một nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia quyến nguyên Tổng Bí thư trong giờ phút đau thương không gì bù đắp được... Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt bác Đỗ Mười kính mến của chúng ta", Tổng Bí thư nói.
9h4’, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban lễ tang đọc lời điếu.
Quang cảnh Nhà tang lễ
9h, Người dân đến tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư đứng nề nếp hai bên đường Trần Thánh Tông.
8h58 , Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình lên điều hành lễ truy điệu. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khái quát tiểu sử nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, từ những ngày đầu tiên tham gia hoạt động cách mạng năm 1936. Ông trở thành uỷ viên TƯ Đảng liên tiếp 5 khoá, uỷ viên Bộ Chính trị trong 4 khoá, là Thường Trực Ban bí thư khoá VI, là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ 1988 đến 1991), là Tổng Bí thư Đảng từ 1991 đến 1997, là cố vấn Ban chấp hành TƯ Đảng từ 1997 tới 2000. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù được các y bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc nhưng do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần đêm 1 /10 vừa qua.
Hơn 80 năm hoạt động, nguyên Tổng Bí thư có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhân dân. Để tỏ lòng thương tiếc, nhà nước quyết định tổ chức tang lễ ông với nghi thức Quốc tang.
Phó Thủ tướng tuyên bố lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư bắt đầu. Quốc ca được cử hành trong bầu không khí trang nghiêm tại nhà tang lễ.
8h55, tại nhà tang lễ Quốc gia, công tác chuẩn bị cho lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã hoàn tất. Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UB MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các bộ ngành và nhân dân đã có mặt đầy đủ.
8h46, tại quê nhà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ở huyện Thanh Trì, lực lượng chức năng cùng người dân tiếp tục chuẩn bị cho lễ an táng tại khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ.
8h25. Nhiều đoàn viên, người dân đã có mặt trước nhà tang lễ Trần Thánh Tông. Nhiều đoàn viên cầm ảnh tư liệu về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười chờ đến giờ từ biệt ông.
Một người phụ nữ từ Tiền Giang ra Hà Nội, có mặt trước cổng nhà tang lễ từ sớm để tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chị cho biết, chị làm việc này theo tâm nguyện, lòng mến mộ dành cho vị lãnh đạo mà chị hết sức kính trọng.
Người phụ nữ từ Tiền Giang ra Hà Nội tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được Ban chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ và UB TƯ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức từ 9h sáng. Lễ truy điệu nhằm tưởng nhớ, tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp, công sức đóng góp của nguyên Tổng Bí thư dành cho đất nước, cũng là lời tiễn biệt ông trước khi lễ di quan, lễ an táng được cử hành.
Nhiều đoàn viên, người dân đã có mặt từ sớm trước nhà tang lễ Trần Thánh Tông, chuẩn bị cho lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư được tổ chức cùng lúc tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), nơi đang quàn linh cữu ông và Hội trường Thống nhất TPHCM.
Là Trưởng Ban lễ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì lễ truy điệu, người viết và trình bày điếu văn tưởng nhớ người đã khuất.
Ghi sổ tang tại lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sáng qua, 6/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ lòng thương tiếc nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân; người đảng viên cộng sản rất mực kiên trung, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; người có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư nhận định, sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế; nguyện mãi mãi học tập và noi theo tấm gương hết lòng vì nước, vì dân của ông.
Sau lễ truy điệu, linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sẽ được đưa về an táng tại quê nhà (khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ , huyện Thanh Trì, Hà Nội) vào lúc 13h chiều cùng ngày.
Theo Dân Trí