205
/
65882
Cải cách đã "thẩm thấu" hiệu quả vào các hoạt động của nền kinh tế
cai-cach-da-tham-thau-hieu-qua-vao-cac-hoat-dong-cua-nen-kinh-te
news

Cải cách đã "thẩm thấu" hiệu quả vào các hoạt động của nền kinh tế

Thứ 4, 03/10/2018 | 06:50:45
803 lượt xem

Quý III năm 2018 khép lại với một loạt chỉ số “đẹp”: GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011; có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD gồm điện thoại và linh kiện; hàng dệt may; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; xuất siêu đạt “kỷ lục” 5,39 tỷ USD...

(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Đánh giá về kết quả này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9: Những thành tựu đạt được đã “Chứng tỏ điều hành của chúng ta kiên quyết, kịp thời; đồng thời cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh và ổn định vĩ mô.”

Phân công đi đôi với giám sát thực tế

Từ đầu năm tới nay, cả hệ thống chính trị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng, vào cuộc triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả."

Điểm nổi bật nhất của Nghị quyết này chính là Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi đi kèm với giám sát việc thực hiện để các hành lang pháp lý, các cải cách “thẩm thấu” vào sản xuất, kinh doanh và các hoạt động của nền kinh tế nhằm đem lại những chỉ số tốt nhất đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng.

Cụ thể, trong 9 tháng qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao.

Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng cầu tăng mạnh.

Việt Nam dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp; 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp (trung bình thế giới ở mức 47%).

Chỉ đạo này luôn được Chính phủ nhất quán và yêu cầu tới từng Bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao cũng như thực hiện các chỉ tiêu xây dựng; đồng thời phân công rõ từng nhiệm vụ, giải pháp cho các địa phương, bộ ngành. Đặc biệt, Chính phủ rất quyết liệt trong việc kiểm soát các giải pháp đã đề ra.

Điều này thể hiện rõ nét trong các phiên họp Chính phủ hàng tháng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đều cập nhật kết quả tình hình các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 16.441 nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương; trong đó, có 7.951 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8.245 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, 245 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn (chiếm 3%, tăng 0,26% so với tháng trước).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, những tháng còn lại của năm, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách thể chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế. Cùng đó, vấn đề điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đã thực hiện tốt nhưng cần làm tốt hơn.

Hiện có có tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mới chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng và 30 thủ tục.

Hiện có tổng số gần 6.200 điều kiện kinh doanh, mới chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện, đạt trên 30% so với yêu cầu.

“Như vậy, còn phải cố gắng nhiều”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ và nhấn mạnh rằng: các nghị định cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang được các cơ quan hoàn thiện để làm sao trong tháng 10 này Chính phủ ban hành.

Đánh giá về kết quả kinh tế 9 tháng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, đây là mức tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 8 năm qua, là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, trước đây, căn cứ vào tình hình thực tế về năng lực sản xuất của nền kinh tế, tổng cục đã dự báo xu thế tăng trưởng năm nay sẽ khác với mọi năm, không còn xu hướng quý sau cao hơn quý trước mà sẽ theo hướng tốc độ tăng giảm dần qua từng quý.

Thực tế, quý I năm nay GDP tăng 7,45% và đến quý II tốc độ tăng giảm xuống còn 6,73% nhưng đã bật lên 6,88% trong quý III.

Mặc dù tốc độ tăng này thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III năm 2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm 2011-2016.

"Việc đảo chiều xu hướng tốc độ tăng GDP so với dự đoán của chúng tôi càng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc kiểm tra tình hình thực hiện từng lĩnh vực trong từng tháng, từng quý ngay từ đầu năm nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Nhờ đó, chúng ta đã có được kết quả tăng trưởng 9 tháng như hiện nay."

Xây dựng các kịch bản để có đối sách phù hợp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng, để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2018, tạo nền tảng cho thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan; cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Theo đó, kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6,7%, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phối hợp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chặt chẽ, linh hoạt, chủ động và đồng bộ; xây dựng các kịch bản tăng trưởng và lạm phát từ nay đến cuối năm và 6 tháng đầu năm 2019 để đề ra đối sách phù hợp.

Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm kỷ luật chi ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Trong cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia mới đây, các thành viên cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, việc điều hành chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia còn gặp nhiều thách thức do độ mở của nền kinh tế rất lớn, chịu ảnh hưởng của các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới.

Việc điều hành tỷ giá, lãi suất có nhiều yếu tố khó lường khi chiến tranh thương mại leo thang; tình hình hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn.

Do đó, các thành viên Hội đồng đề nghị Chính phủ cần theo dõi sát diễn biến của các cuộc xung đột thương mại trên phạm vi toàn cầu để kịp thời có giải pháp hạn chế các tác động tiêu cực.

Chính phủ cũng cần kiên định điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thắt chặt chính sách tài khóa; tranh thủ ổn định kinh tế vĩ mô để đẩy mạnh hơn nữa cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở tăng mạnh mẽ năng suất lao động.

Theo Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, nền kinh tế Việt Nam có độ mở tăng nhanh, thuộc nhóm nước có độ mở của nền kinh tế cao trong khu vực ASEAN, chỉ thấp hơn độ mở kinh tế của Singapore.

Điều này phản ánh thực tế nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, thậm chí nền kinh tế có thể bị cuốn vào “vòng xoáy” của những biến động đó.

Với phạm vi và quy mô xung đột như hiện nay của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thì Việt Nam chịu cả ảnh hưởng tiêu cực lẫn những tác động tích cực.

"Do vậy chúng ta phải có giải pháp tranh thủ các tác động tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực đối với các biến động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung này," Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm lưu ý.

Với tồn tại cố hữu là chậm giải ngân vốn đầu tư công, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; trong đó chú trọng các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Tiếp tục khai thác thế mạnh nội lực sản xuất trong nước, giảm khai thác tài nguyên, Chính phủ đã đang và sẽ đề ra các chính sách hỗ trợ, phát triển các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Về vấn đề này, chủ trương của Chính phủ yêu cầu các bộ ngành đẩy nhanh nghiên cứu tác động, chủ động tiếp cận, cũng như khai thác hiệu quả những yếu tố thuận lợi mà Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện, xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường năng lực, áp dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Một sự kiện quan trọng trong tháng 9 đối với doanh nghiệp đó là việc ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý vốn tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn.

Với số vốn 1 triệu tỷ đồng, tài sản trị giá 2,3 triệu tỷ đồng, Ủy ban được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, công khai, minh bạch hơn, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đến thời điểm này, có thể khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu Quốc hội giao cho năm 2018, với 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt.

Với các giải pháp vừa cụ thể, vừa linh hoạt cùng với sự giám sát và quản lý chặt chẽ đồng thời luôn bám sát tình hình để có đối sách kịp thời, phù hợp, hy vọng GDP năm 2018 có khả năng vượt mục tiêu 6,7%./. 

Theo TTXVN/Vietnam+

  • Từ khóa

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Tổng thống Bulgaria

Sáng 25-11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân đã chủ trì Lễ đón Tổng thống Rumen Radev và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam.
13:19 - 25/11/2024
55 lượt xem

Tổng Bí thư: Hoàn thành tinh gọn bộ máy trước Đại hội XIV

Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, hai nội dung lớn được xem xét tại Hội nghị T.Ư Đảng khóa XIII lần này là sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tái khởi động điện hạt...
14:17 - 25/11/2024
61 lượt xem

Không khí lạnh mạnh tràn về khiến miền Bắc có nơi rét đậm, rét hại

Không khí lạnh mạnh đang tràn về khiến miền Bắc rét đậm, rét hại. Từ đêm 26-11, nhiệt độ phổ biến từ 16-18 độ C, vùng núi cao dưới 10 độ C
11:57 - 25/11/2024
122 lượt xem

Kiến tạo hòa bình, vì sự phát triển và thịnh vượng

Trong bốn ngày qua ở thủ đô Phnom Penh với chương trình bận rộn, chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Ðoàn đại...
08:32 - 25/11/2024
205 lượt xem

Bộ trưởng TN-MT: Xử lý nghiêm hành vi thổi giá đất

Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy tại diễn đàn "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ TN-MT lắng nghe nông dân nói".
18:53 - 24/11/2024
538 lượt xem