Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít (tăng thêm 1.000 đồng/lít) nhưng mức thuế với dầu hoả chỉ tăng lên mức 1.000 đồng/lít thay vì mức 2.000 đồng/lít như đề xuất.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình đề xuất điều chỉnh thuế môi trường với xăng, dầu trước UB Thường vụ Quốc hội (ảnh: Quochoi.vn)
Đề xuất về việc điều chỉnh thuế môi trường với mặt hàng xăng dầu được Chính phủ trình ra từ phiên họp tháng 7/2018 của UB Thường vụ Quốc hội nhưng chưa được thông qua.
Tới phiên họp tháng 9 này, Chính phủ trình phương án mới, đề xuất tăng thuế môi trường với mặt hàng dầu hoả từ mức 300 đồng/lít hiện nay lên 1.000 đồng/lít. Mức đề xuất này như vậy đã được điều chỉnh giảm so với lần trình ra trước đây là 2.000 đồng/lít.
Thuế môi trường với xăng thì vẫn được đề nghị tăng lên kịch khung, ở mức 4.000 đồng/lít (tăng 1.000 đồng/lít so với mức thuế hiện nay).
Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.
Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ đã có báo cáo tác động đánh giá bổ sung đầy đủ về tác động của việc tăng thuế đến chỉ số giá tiêu dùng.
Theo đó, chuyển thời điểm hiệu lực của nghị quyết từ 1/1/2019 thay cho phương án áp dụng ngay trong những tháng cuối năm 2018 sẽ không tác động làm tăng CPI năm nay, đảm bảo dư địa cho Chính phủ điều chỉnh lạm phát năm 2019, từ đó hạn chế tối thiểu tác động tới đời sống người dân, hoạt động nền kinh tế.
Cơ quan thẩm tra tính toán, giá xăng dầu chỉ tác động 0,07 - 0,09% CPI năm 2019 do xăng dầu chỉ là 1 trong 11 nhóm mặt hàng được đưa vào rổ tính CPI và quyền số chỉ chiếm 4% mặt hàng giá.
UB Tài chính – Ngân sách cũng tán thành phương án tăng thuế môi trường với xăng, dầu vì giá bán lẻ xăng Việt Nam ngày 10/9 ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á (thấp hơn Lào 5.318 đồng một lít, Campuchia 1.773 đồng một lít, Trung Quốc 1.499 đồng một lít...).
Với phương án tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít thì tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam khoảng 39%, vẫn thấp hơn tỷ lệ thuế trên giá xăng các nước trong khu vực, như Campuchia 49%, Lào 56,5%, Trung Quốc 52%, Singapore khoảng 67%...
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra cũng báo cáo, việc điều chỉnh tăng thuế môi trường với xăng, dầu chỉ khiến giá cước vận tải tăng khoảng 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng. Còn đối với sản xuất điện, sản xuất kính, gốm... cơ bản không tác động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, đề xuất lần này của Chính phủ đã có bước lùi so với đề xuất trình ra 2 tháng trước.
Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì vẫn băn khoăn khi cho rằng, số thu từ việc tăng thuế như vậy không lớn nhưng sẽ gây tác động lớn vì xăng, dầu là những mặt hàng thiết yếu, tăng thuế sẽ tác động tới giá cả đồng loạt trên thị trường.
Dẫn báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ gửi kèm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nếu mức thuế với xăng dầu được điều chỉnh như đề xuất thì mỗi năm ngân sách sẽ có thêm hơn 15.700 tỷ đồng. Đó số tiền rất lớn để đầu tư, xử lý vấn đề môi trường.
Ông Hiển đề nghị đưa khoản tiền thuế này vào dự toán ngân sách năm 2019 để chi cho bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành quan điểm “không thu chỗ này chi tiêu chỗ khác”, tiền thuế thu môi trường phải đưa vào ngân sách và phải chi lại cho hoạt động bảo vệ môi trường để “người dân thấy đúng và sòng phẳng”.
Theo P.Thảo/Dân trí