Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức trong nước, quốc tế khắc phục hậu quả bom, mìn.
Sáng (7/8), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban chỉ đạo 701, thành lập theo Quyết định số 701 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ) đã chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác thời qua và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 701 về công tác xử lý bom mìn, chất độc hóa học, thời gian qua, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo thực hiện dự án điều tra, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ trên toàn quốc, xác định được số lượng các xã, phường và diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Trong khuôn khổ các dự án hiện nay, diện tích rà phá bom mìn mỗi năm được khoảng 30.000 đến 50.000 ha.
Bộ Quốc phòng, cơ quan Trường trực của Ban chỉ đạo 701, cũng đã phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức thực hiện dự án xử lý chất độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng và đã cơ bản hoàn thành. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách về trợ cấp ưu đãi đối với nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm độc hóa học; giám định y khoa đối với các bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Ban chỉ đạo cũng thực hiện công tác tuyên truyền, hợp tác quốc tế, vận động tài trợ, nghiên cứu khoa học... về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học.
Tuy vậy, công tác rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học vẫn còn nhiều việc phải làm bởi diện tích đất bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh còn lớn. Bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, nhất là Bộ Quốc phòng và một số bộ, ngành, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo, giúp công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học có những chuyển biến tích cực, hiệu quả.
Thủ tướng tán thành với đề xuất của các thành viên Ban chỉ đạo về việc nghiên cứu xây dựng chính sách đối với người bị ảnh hưởng chất độc hóa học thế hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến.
Nhấn mạnh đến việc thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo: “Chúng ta luôn xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của một đất nước bị chiến tranh nhiều năm để góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân; làm sạch môi trường; tạo điều kiện cho các địa phương bị chất độc hóa học, bom mìn phát triển kinh tế xã hội bền vững và an toàn cho người dân cũng như nhà đầu tư. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã hợp nhất kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học chiến tranh Việt Nam, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các địa phương, để thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn và chiến tranh Việt Nam”.
Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo 701
Nhấn mạnh các địa phương, bộ ngành phải chăm lo cuộc sống cho những người chịu ảnh hưởng của bom mìn, chất độc hóa học, Thủ tướng nêu rõ: “Ban chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện chế độ chính sách khắc phục hậu quả bom mìn một cách khoa học một cách trực tiếp các đối tượng, hỗ trợ y tế, việc làm cho các nạn nhân. Mục tiêu của chúng ta là không ngừng chăm lo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bom mìn, chất độc hóa học được tốt hơn. Đặc biệt là chỉ đạo địa phương thực hiện dự án hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có vấn đề khám chữa bệnh, vấn đề phục hồi chức năng cho nạn nhân”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo cần tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức trong nước, quốc tế, huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học.
Thủ tướng cũng yêu cầu thường trực Ban chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các thành viên, hoàn chỉnh chương trình công tác của Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương thời gian tới./.
Theo Vũ Dũng/VOV