Hôm nay (7/8), tại trụ sở Chính phủ, gặp mặt đoàn đại biểu Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những nạn nhân chất độc da cam là những tấm gương không đầu hàng số phận, kiên trì vượt khó, vươn lên làm chủ số phận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ân cần gửi lời thăm hỏi đến toàn thể Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 57 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (1961-2018) và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8).
Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự nỗ lực không mệt mỏi của Hội thời gian qua với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, nhất là việc hỗ trợ các nạn nhân cùng gia đình.
“Qua 15 năm hoạt động của Hội, các đồng chí đã vượt qua rất nhiều khó khăn, tích cực, chủ động, sáng tạo, triển khai nhiều mặt công tác, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao”, Thủ tướng nói. Tổ chức Hội được xây dựng và phát triển nhanh. Vị thế, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Công tác vận động, xã hội hóa nguồn lực được chú trọng triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả tốt với số tiền 1.724 tỷ đồng.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hội đã tích cực tham gia cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại.
Hội đã chủ động tham gia đề xuất xây dựng, tư vấn, phản biện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.
Thủ tướng trân trọng và biểu dương cán bộ Hội các cấp từ Trung ương tới cơ sở, với tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình đồng chí, đồng bào sâu sắc, đã thực hiện rất trách nhiệm các nhiệm vụ và hoạt động hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam thời gian qua.
“Chúng ta thấy những nạn nhân chất độc da cam đã không đầu hàng số phận, kiên trì vượt khó vươn lên, làm chủ số phận, hòa nhập cộng đồng. Đây là những tấm gương để chúng ta phát động trong toàn xã hội”, Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội “hãy cùng nhau chung tay chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam”, làm hết sức mình để người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và nạn nhân chất độc da cam được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước. Các cấp, các ngành cần tạo điều kiện để Hội hoàn thành nhiệm vụ.
Tại buổi gặp, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và 3 triệu người là nạn nhân. Có khoảng 350.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều nạn nhân nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách.
Về hoạt động của Hội, đến nay, tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam thành lập ở 63 tỉnh, thành phố. Hội đã vận động được 1.724 tỷ đồng để xây dựng 26 trung tâm bảo trợ xã hội bán trú, hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, tìm việc làm, trợ cấp khó khăn, thăm hỏi... cho hàng trăm nghìn nạn nhân. Cùng với đó, Hội đang tiếp tục các hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn