Nhiều ý kiến cho rằng việc hợp nhất 3 văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là cần thiết, nhưng cần thận trọng
Sáng 20/7, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Nhân dân và Văn phòng Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.
Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng cấp tỉnh
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, việc hợp nhất 3 văn phòng gồm Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là cần thiết nhằm tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, cần cẩn trọng khi cơ cấu tổ chức các phòng và biên chế. Trước mắt, cần thí điểm việc hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tại một số địa phương để rút kinh nghiệm trong việc bố trí cơ cấu tổ chức hợp lý.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng nên thiết kế theo hướng phân định mang tính tương đối trong đó có tổ chức một bộ phận giúp cho đoàn đại biểu Quốc hội, một bộ phận giúp cho HĐND, một bộ phận giúp cho UBND thực hiện nhiệm vụ tham mưu tổng hợp. Nhưng 3 cơ quan có những bộ phận giống nhau thì đó là phòng quản trị hành chính phục vụ và phòng tiếp công dân nên thiết kế phục vụ chung.
Một số đại biểu cho rằng một trong những chức năng của văn phòng đoàn Đại biểu quốc hội và HĐND là cơ quan quyết định và giám sát, còn chức năng của UBND là cơ quan tổ chức thực hiện chấp hành…Vì vậy, cần xem xét tránh tình trạng một văn phòng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa là cơ quan thực thi, vừa giám sát.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế, HĐND thành phố Hà Nộiđề nghị, đối với một số tỉnh, thành phố lớn, công việc của 3 văn phòng nhiều hoạt động, có thể chỉ hợp nhất Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng HĐND với chức năng giống nhau là giám sát.
Cụ thể, ông Nam đề xuất, một mặt vẫn có thể thí điểm hợp nhất 3 cơ quan ở những tỉnh thành phố nhỏ, với số lượng bộ máy biên chế gọn, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND ở mức độ phù hợp làm thí điểm trước. Đối với mô hình thứ 2, đơn vị, tỉnh nào có đủ điều kiện thì hợp nhất 2 trong 1. Sau này đánh giá, tổng kết để làm căn cứ sửa Luật tổ chức chính quyền địa phương, sẽ có nhiều điều kiện để đánh giá ở góc độ khác nhau./.
Theo Phương Thoa/VOV1