Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng ý tăng thuế môi trường với xăng như đề nghị của Chính phủ.
Sáng 12.7, Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT).
Theo tờ trình dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ đề nghị xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít... Ngoài xăng dầu, một số mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nilon, cũng được đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng, tuỳ loại.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, với phương án điều chỉnh nêu trên sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15%. Tuy nhiên, việc tăng thuế sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường.
Đồng thời, sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15.189,2 tỉ đồng/năm. Từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Trình bày báo cáo Thẩm tra Dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, khuyến khích sử dụng tiết kiệm và tiến tới sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29%, dần tiệm cận mức Quốc hội giao 4% và để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đề nghị cân nhắc việc tăng thuế suất thuế BVMT đối với xăng.
Phần thảo luận, ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn rất băn khoăn về thời điểm, về lộ trình, về tác động đến CPI, hiệu ứng xã hội... về việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu có thể tăng 1 chút lạm phát mà tạo ra nguồn thu 15 -16 ngàn tỉ thì cần thiết.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có giải pháp thực hiện tiết kiệm ở các khâu khác để có thể tăng thuế mà không tăng giá xăng dầu, vì các khâu khác còn lãng phí thất thoát nhiều..
Sau khi Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết với thời điểm có hiệu lực của nghị quyết là ngày 1.10, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Lắng nghe các ý kiến thảo luận tôi biết vẫn còn nhiều ý kiến lăn tăn. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta thảo luận nhưng chưa biểu quyết thông qua".
Do chưa biểu quyết thông qua tại kỳ họp Thường vụ Quốc hội lần này, dự thảo Nghị quyết biểu thuế môi trường sẽ được cơ quan thường trực Quốc hội tiếp tục thảo luận ở kỳ họp vào tháng 8.
Theo Hoa Lê/Báo Lao động