Tối 21.6, lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII - năm 2017 đã được tổ chức trọng thể tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội, với 105 tác phẩm báo chí xuất sắc được trao giải.
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang (thứ 2 từ trái qua) và Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng (thứ 4 từ trái qua) trao giải A Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII - năm 2017. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng; Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư; Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước; Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng; Trương Hoà Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Thanh Mẫn - Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQVN; Trần Cẩm Tú - Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Phan Đình Trạc - Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Hòa Bình - Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND Tối cao; Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh...
Báo chí gắn bó máu thịt với nhân dân
Phát biểu khai mạc lễ trao giải, nhà báo Thuận Hữu - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí quốc gia - nhấn mạnh: “Trong thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng nước ta tiếp tục phát huy những truyền thống đã được khẳng định là: Luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc; sáng tạo, tự đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế; luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với tổ quốc và dân tộc.
Với hơn 22.000 hội viên nhà báo, đội ngũ người làm báo ngày càng hùng hậu với đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại. Chúng ta đang xây dựng một nền báo chí phát triển, ngang tầm báo chí khu vực và thế giới, hướng tới tính chuyên nghiệp ngày càng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, ủng hộ, sự nghiệp báo chí của chúng ta sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh thách thức gay gắt của mạng xã hội, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, Giải Báo chí quốc gia năm nay tiếp tục được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp. Hơn 1.800 tác phẩm được lựa chọn chặt chẽ từ các cấp hội trên cả nước gửi dự giải, là mức cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên tất cả 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố gửi tác phẩm dự giải, khẳng định uy tín và sức thu hút cao của giải.
Hội đồng Chung khảo giải đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao giải cho 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải dành cho báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí. Trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Số tác phẩm đoạt giải của báo chí địa phương chiếm gần 50%.
Tại Giải Báo chí quốc gia năm 2017, Báo Lao Động đoạt 2 giải C với loạt bài 5 kỳ “Ia H’Drai - gỗ lậu tập kết công khai” của tác giả Lê Đình Văn (thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép báo in) và bộ ảnh “Biểu tượng sống của tình yêu Hà Nội” của tác giả Việt Văn (thể loại Ảnh báo chí).
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (hàng trên - thứ tư từ trái qua) và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng (hàng trên - thứ năm từ trái qua) trao giải B Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII - năm 2017.
Báo chí cần chú trọng quản lý các loại hình thông tin trên Internet
Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - cho biết, trong lịch sử 93 năm báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí cả nước đã ngày càng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Báo chí đã trở thành vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Báo chí cả nước đã thông tin nhanh nhạy, kịp thời và sinh động mọi diễn biến chính trị, kinh tế xã hội ở trong nước và trên thế giới. Báo chí đã làm cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc.
Trước những cơ hội và nhiều thách thức mới đặt ra, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, đội ngũ làm báo cần chú trọng 5 nội dung, trong đó: “Báo chí cần phải là một trong những lực lượng nòng cốt, kịp thời phát hiện, đấu tranh, phản bác chống âm mưu diễn biến hòa bình, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, vu cáo xuyên tạc tình hình đất nước ta, các âm mưu, luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ”.
Nhà báo Việt Văn (Báo Lao Động) nhận giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII - năm 2017. Ảnh: SƠN TÙNG
Thêm vào đó, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ, báo chí “cần nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn của báo chí, phấn đấu hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ làm báo, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo. Hoạt động thông tin đối ngoại cần tăng cường và nâng cao chất lượng hơn nữa, tăng cường quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới”.
Trong đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh: “Báo chí cần thực hiện tốt chức năng định hướng thông tin và dư luận xã hội trong việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Chú trọng quản lý các loại hình thông tin trên Internet, để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên như Đại hội XII của Đảng đã đề ra”.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Việt Văn - Báo Lao Động, giải C thể loại Ảnh báo chí: Tác giả của hàng loạt giải thưởng “khủng” “Lần đầu tiên dự thi giải ảnh báo chí quốc gia, tôi gửi bộ ảnh “Biểu tượng sống của tình yêu Hà Nội” chụp chân dung nhà nhiếp ảnh Quang Phùng, người Hà Nội gốc - một nghệ sĩ miệt mài lao động nghệ thuật hàng chục năm trời, để thực hiện nhiều bộ ảnh có giá trị ghi lại sự biến đổi nhanh chóng của Hà Nội từ cảnh quan, kiến trúc, đến lối sống của người Hà thành từ nửa sau thế kỷ 20 đến thế kỷ 21. Ông cũng xả thân chụp nhiều ảnh chính luận mang tính phản tỉnh mạnh mẽ, tiêu biểu nhất là bộ ảnh về tệ nạn xã hội ma túy từng triển lãm tạo được hiệu ứng xã hội rất lớn. Quang Phùng đã đoạt Giải thưởng lớn Bùi Xuân Phái cho tình yêu Hà Nội năm 2013, là người duy nhất được 4 huy chương sự nghiệp của 4 ngành: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ủy ban toàn quốc các Hội Liên hiệp VHNTVN, và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Gửi ảnh đi thi, tôi cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé vào thành tích chung của Báo Lao Động, một tờ báo đang có bước phát triển mạnh, đổi mới liên tục, tiến tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập báo vào năm 2019”. Nhà báo, nhiếp ảnh gia Việt Văn đã đoạt gần 70 giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, là tác giả Việt Nam đầu tiên 9 năm liền đoạt giải cuộc thi ảnh hàng đầu Châu Âu. H.NGUYỄN (ghi) Phía sau loạt bài “Cung đường gỗ lậu” Cầm trên tay giải C Báo chí quốc gia 2017 với loạt bài “Ia H’Drai - gỗ lậu tập kết công khai”, một đề tài mất 2 năm theo đuổi, Lê Đình Văn (SN 1984 - Phóng viên thường trú Báo Lao Động tại miền Trung - Tây Nguyên) nhớ lại những tháng ngày xâm nhập điều tra, vẫn còn toát mồ hôi bởi chỉ một sơ suất nhỏ có thể bỏ mạng giữa rừng biên giới Campuchia - Việt Nam. Thế nhưng với Đình Văn, tác phẩm nào cũng là đứa con của mình và đều trân trọng như nhau, phải có hiệu quả để thỏa lòng bạn đọc dù là đề tài điều tra hay là một mẩu tin nhỏ, bài về tấm gương người tốt việc tốt. HUYÊN NGUYỄN (ghi) |
Theo Huyên Nguyễn - Hà Liên/Báo Lao động