Dự án Luật Công an nhân dân sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu quả theo hướng ‘Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở'.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý để sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an, từng bước thực hiện tinh giản biên chế.
Đây là nội dung dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội ngày 7/6.
Tinh giản biên chế lực lượng công an
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2014.
Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, mục đích của dự án luật là hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Công an nhân dân trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; khắc phục những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng quản lý.
“Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng ‘Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở’ làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng và từng bước thực hiện tinh giản biên chế,” Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách
của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Người đứng đầu ngành Công an khẳng định: “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an, không tổ chức cấp tổng cục, nâng cao chất lượng cấp cục trực thuộc Bộ Công an, sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.”
Điều động 25.000 công an chính quy
Quán triệt chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị, dự thảo Luật không quy định Công an xã là lực lượng bán chuyên trách (bỏ khoản 3 Điều 16 Luật Công an nhân dân năm 2014); đồng thời, bổ sung một khoản vào Điều 18 dự thảo Luật với nội dung như sau: “Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy”, để thể chế hóa quan điểm của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 22-NQ/TW.
(Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, về tổ chức bộ máy sẽ được bố trí phù hợp với đặc điểm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn xã, thị trấn. Hiện nay, số đơn vị công an xã, thị trấn đã được bố trí công an chính quy là 1.065; số đơn vị công an xã, thị trấn chưa được bố trí Công an chính quy còn 8.516.
“Như vậy, để xây dựng công an xã, thị trấn chính quy thì Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có (không tăng thêm biên chế) xuống đảm nhận các chức danh công an xã. Chính phủ chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức đang làm Trưởng Công an xã, thị trấn,” Bộ trưởng Tô Lâm nói
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, về công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức của Công an nhân dân (Điều 18), Uỷ ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về Công an xã, thị trấn chính quy hóa theo chủ trương của Đảng.
“Tuy nhiên, đề nghị quy định bảo đảm lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, với lực lượng quân sự địa phương. Đồng thời, nghiên cứu sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương để bảo đảm sự đồng bộ giữa hai luật,” ông Võ Trọng Việt nói.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng lưu ý, có ý kiến cho rằng, chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy không chỉ là bố trí lực lượng, mà cần quan tâm đầu tư xây dựng chính quy về nhiều mặt như tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất, trang bị và chế độ, chính sách… Đây là nội dung mới, có sự thay đổi căn bản so với quy định của pháp luật hiện hành, do đó, cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp làm căn cứ để giao Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy./.
Dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) điều chỉnh quy định về thời hạn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân từ 3 năm xuống còn 2 năm; đồng thời quy định việc kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ trong một số trường hợp để phù hợp với Luật Nghĩa vụ quân sự và thực tiễn trong Công an nhân dân.
Theo Vietnam+