Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông hy vọng Việt Nam có thể tận dụng 20 triệu tấn đất hiếm, đứng thứ ba về trữ lượng trên thế giới, để phát triển những công nghệ năng lượng mới.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Reuters (Anh) trước khi lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada từ ngày 8 đến 9-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh năng lượng tái tạo.
Việt Nam đang có quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều nước, trong đó có các nước G7, trong phát triển năng lượng tái tạo. Thực tế, nhiều nước trong G7 đều đang triển khai các dự án quan trọng về phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam . Ví dụ như: Nhà máy điện gió Mũi Dinh có tổng công suất 37,6 MW, với tổng vốn đầu tư 1.272 tỉ đồng do Công ty EAB của Đức làm chủ đầu tư; Nhà máy điện gió Tuy Phong (30 MW) với công nghệ của Đức, Nhà máy điện gió Phú Lạc (24 MW) với vốn và công nghệ của Đức và Đan Mạch.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và tạo thuận lợi cho tất cả các đối tác và tin tưởng rằng với tiềm lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư của các nước G7 sẽ có nhiều cơ hội để trở thành những nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam"- Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ông hy vọng Việt Nam có thể tận dụng 20 triệu tấn đất hiếm, đứng thứ ba về trữ lượng trên thế giới, để phát triển những công nghệ năng lượng mới. Việt Nam được ưu đãi với tiềm năng dồi dào cho sản xuất năng lượng tái tạo sạch.
"Chúng tôi mong muốn hợp tác trong công tác nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ cao trong khai thác, chế biến sâu quặng đất hiếm nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế"- Thủ tướng khẳng định.
Theo Reuters, mỏ đất hiếm lớn nhất của Việt Nam nằm ở tỉnh Lai Châu ở miền Bắc, gần biên giới Trung Quốc. Những khoáng chất kim loại đóng vai trò thiết yếu trong việc sản xuất những công nghệ như tua-bin gió, pin xe điện, tấm năng lượng mặt trời và điện thoại thông minh. Việt Nam cũng đang tìm cách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc ngày càng tăng vào than mà thay vào đó là sản xuất điện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam lên kế hoạch vào năm 2030 sẽ giảm sử dụng 40 triệu tấn than. Theo dự báo nêu trong một báo cáo năm 2016 trên trang web của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ tiêu thụ 156,6 triệu tấn nhiên liệu vào năm 2030. Vào thời điểm đó, các nhà máy nhiệt điện sẽ chiếm khoảng 53% tổng công suất phát điện của Việt Nam, so với mức hiện nay là 45%.
Theo Reuters, tiềm năng thủy điện của Việt Nam hầu như đã được khai thác triệt để, dự trữ dầu và khí ngày càng thấp trong khi những nỗ lực tìm kiếm những nguồn dự trữ mới bị đình trệ ở Biển Đông, nơi mà Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc.
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ "tăng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn tái tạo từ khoảng 58 tỉ kWh năm 2015 lên khoảng 101 tỉ kWh vào năm 2020, và khoảng 186 tỉ kWh vào năm 2030".
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng tỷ lệ số hộ gia đình có các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời lên 20% vào năm 2020 và 26% vào năm 2030.