Tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và tổ đình Từ Đàm (Thừa Thiên Huế), đại lễ Phật đản được tổ chức trang nghiêm với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả nghìn phật tử.
Sáng 29/5 (15/4 âm lịch), Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UBND TP Hà Nội đã tới chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để dự Đại lễ Phật đản 2018.
Từ sớm, hàng nghìn phật tử có mặt tham gia nghi lễ tắm Phật. Đường Quán Sứ ùn tắc cục bộ ở cả hai chiều.
Nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh nhằm tái hiện hình ảnh chư thiên tắm mát Đức Phật lúc ngài vừa đản sinh. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, trụ trì chùa Quán Sứ cho biết, năm nay lễ Phật đản tại nhiều địa phương được tổ chức từ đầu tháng 4 âm lịch. Nhiều chùa tại biên giới, hải đảo cũng tổ chức nghi lễ rất trang nghiêm.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng tăng ni, phật tử thả bóng bay, phóng sinh chim bồ câu trong buổi sáng ngày lễ Phật đản.
Các điện, sảnh chính của chùa Quán Sứ chật kín người. Nhiều bạn trẻ cũng tới tham dự buổi lễ cầu mong bình an, sức khỏe.
Một số người chọn cách vái vọng qua cửa sổ của điện chính chùa Quán Sứ.
Sáng 29/5, tại tổ đình Từ Đàm (phường Trường An, TP Huế), Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế đã cử hành đại lễ Phật đản Phật lịch 2562. Hàng nghìn tăng ni, phật tử ở các chùa trên địa bàn đã về tham dự đại lễ.
Đại lễ Phật đản diễn ra trong không khí trang nghiêm. Các sư thầy thực hiện nghi lễ.
Sau nghi lễ, các phật tử xứ Huế đã chắp tay chiêm bái Đức Phật, cầu cho gia đình được bình an, mạnh khỏe.
Một phật tử thành tâm chiêm bái trước tượng Đức Phật tại tổ đình Từ Đàm. Vốn được mệnh danh là kinh đô của Phật giáo với hàng trăm ngôi chùa, đại lễ Phật đản có ý nghĩa lớn với người theo đạo Phật ở xứ Huế. Ngoài việc lên chùa cầu an, sám hối, người dân Huế còn làm mâm cỗ chay dâng lên Đức Phật.
Theo Gia Chính - Võ Thạnh/VnExpress