“Nhiều khi thu hồi đất người dân mất sinh kế, thậm chí bức xúc với chính quyền trong khi lợi ích người khác hưởng”
Sáng nay (22/5), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Nhìn chung các ý kiến đều nhấn mạnh báo cáo của Chính phủ cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, nhất là 3 chỉ số về công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng, đây là tín hiệu đáng mừng... Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành.
“Về quản trị nhà nước không thể phủ nhận nỗ lực của Chính phủ trong điều hành, cải cách hành chính, đổi mới, hành động. Chính phủ giải quyết nhiều vấn đề một cách kịp thời, qua nhiều kênh từ đối thoại đến họp bàn chỉ đạo. Nhiều quyết sách đưa ra đã thúc đẩy phát triển KT-XH thời gian vừa qua” – đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) nói. Tuy nhiên, theo đại biểu có những chỉ tiêu tuy đạt nhưng chưa thật bền vững và cần đánh giá sâu hơn nguyên nhân cũng như có giải pháp căn cơ.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu thảo luận tại tổ, sáng 22/5
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng Chính phủ phải đẩy mạnh kỷ cương. Vừa qua chính việc thành lập 2 Tổ công tác là vì kỷ cương và đây vẫn là vấn đề số 1 rồi sau đó mới đến các giải pháp khác” – đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói. Bởi, thực tế có đơn vị thiếu trách nhiệm trong xử lý công việc, có việc người dân kêu mãi không giải quyết, rồi nhiều cán bộ tham nhũng, báo cáo thì theo kiểu bao che, lách luật...
Nhấn mạnh cần tăng cường sự đồng thuận của người dân và cử tri, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn vụ việc ở Thủ Thiêm là bài học rất lớn.
Đại biểu Đặng Thuần Phong – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội thì cho rằng vấn đề “nóng” – “lạnh” thì có chỗ có nơi, còn đòi hỏi vai trò tham mưu cũng như sự quyết liệt của các bộ ngành như thế nào để đáp ứng sự điều hành của Chính phủ và nguyện vọng của người dân thì các bộ ngành phải cố gắng, địa phương phải phấn đấu.
“Chính phủ điều hành nên biết nơi nào “nóng”, nơi nào “lạnh” để có giải pháp, thậm chí là phải “trị”” – ông Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.
Vị đại biểu đoàn Bến Tre cũng đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn. Trong đó việc giải ngân rất chậm đang gây lãng phí lớn. Năm nào cũng thấy tình trạng này nhưng không thấy ai bị xử lý trách nhiệm.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy có nơi chi ngân sách sai, chi vượt dự toán một cách không thoả đáng thì ngoài mấy vụ chuyển điều tra còn lại xử lý trách nhiệm ra sao? Đây là điều dân bức xúc vì làm như vậy nhưng không ai bị sao hết.
Ông Đặng Thuần Phong cho rằng, đã nhận diện, phát hiện thì phải nghiêm túc, kỷ cương, tránh hiện tượng “tiền trảm hậu tấu”.
Đại biểu Đặng Thuần Phong – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh:Vietnamnet)
Đề cập việc quản lý đất đai, tài sản nhà nước và quy hoạch, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội nói “có những điều đáng buồn”. “Nhiều khi thu hồi đất người dân mất sinh kế, thậm chí bức xúc với chính quyền trong khi lợi ích người khác hưởng. Thủ Thiêm là bài học và còn bao nhiêu Thủ thiêm nữa?”.
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng, nói “trên nóng dưới lạnh” thì ngay trong một Bộ cũng có tình trạng đó, Bộ trưởng “nóng” nhưng có cục, vụ chậm, ỳ.
“Như Bộ tôi khi quán triệt chủ trương về cắt giảm thủ tục hành chính thì có người nói “bộ mình là bộ an sinh có gì mà cắt”. Nhưng sau khi làm việc với từng cục, vụ thì cắt bỏ hơn 65% điều kiện kinh doanh, có đơn vị thủ tục cắt giảm, tinh gọn đến 78%, bình quân là 58%.”
“Câu chuyện đó để thấy ngay trong một bộ thì có đơn vị “nóng sùng sục” nhưng có đơn vị thờ ơ. Thủ tướng nói nhiều bộ ngành rất “nóng”, nhưng cũng có chỗ này chỗ kia chưa được thế và ở địa phương tôi hình dung cũng thế” – ông Đào Ngọc Dung nêu ý kiến./.
Theo Ngọc Thành/VOV.VN