"Chúng ta nói phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cần nghĩ tới quyền lợi tương xứng của người dân", ông Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ngày 19/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và lãnh đạo các bộ ngành, 27 tỉnh, thành phố có khiếu kiện đông người cùng tham dự.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người diễn biến phức tạp, Thủ tướng cho rằng một số cấp, nhất là địa phương không thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với dân. Một vài cán bộ còn nặng tư tưởng "đối đầu" với dân mà chưa thấy trách nhiệm của mình.
"Tiếp dân không phải là công tác văn thư, chuyển văn bản mà cần đối thoại, chỉ đạo xử lý hiệu quả những vấn đề đặt ra", ông Phúc nói.
Một nguyên nhân khác là ý thức chấp hành pháp luật, hiểu biết của một bộ phận người dân còn hạn chế, đưa ra yêu cầu vượt quá quy định pháp luật. Có trường hợp được giải quyết có lý có tình, nhưng vẫn khiếu nại kéo dài. Có trường hợp do phần tử xấu kích động, xúi giục đi khiếu kiện để lấy tiền.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều bất cập. Quy định của pháp luật lĩnh vực này cũng không phù hợp với thực tiễn.
Từ thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu từng bộ ngành, địa phương đối chiếu với tình hình nội bộ của địa bàn mình, tự xác định nguyên nhân từng vụ khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, từ đó có giải pháp phù hợp, khả thi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị sáng 19/5. Ảnh: VGP
Lập danh sách vụ khiếu kiện, tố cáo đông người, phức tạp
Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công an… và các địa phương cần vào cuộc tích cực, không để khiếu nại, tố cáo gây mất ổn định tình hình đất nước. Riêng Thanh tra Chính phủ phải lập danh sách tất cả vụ phức tạp kéo dài tại 27 địa phương. Các tỉnh, thành phố có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ danh sách cho Thanh tra Chính phủ và cùng lập kế hoạch, đưa ra tiến độ giải quyết từng vụ, sau đó công khai trên mạng.
Địa phương cần phân công rõ cơ quan chủ trì giải quyết từng vụ, phân công mỗi người trong thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy chịu trách nhiệm giải quyết một số vụ. Đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các lãnh đạo này sẽ gắn với việc giải quyết khiếu nại tố cáo, còn Chủ tịch UBND tỉnh thành chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc giải quyết khiếu kiện trên địa bàn.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo các địa phương lập chương trình tiếp công dân, giải quyết vụ việc, không ỷ lại, khoán trắng cho một phó chủ tịch phụ trách. Mọi khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết kịp thời, đúng quy định ngay từ cơ sở để không tạo thành điểm nóng. Trường hợp đã giải quyết, đối thoại có lý có tình nhưng vẫn còn khiếu kiện thì đưa ra tòa hành chính.
Theo thống kê, trong số 100 vụ khiếu kiện thì tới 95 là về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng. Vì thế Thủ tướng chỉ đạo tập trung chấn chỉnh, khắc phục bất cập trong chính sách pháp luật, nhất là vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng. "Chúng ta nói phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cần nghĩ tới quyền lợi tương xứng của người dân, không giải quyết thỏa đáng, đúng mức vấn đề này thì khó phát triển bền vững", ông Phúc nói.
Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại, ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tất cả cấp ngành phải coi trọng việc giải quyết khiếu nại tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
"Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ. Những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng", Thủ tướng nói và giao nhiệm vụ nếu dân địa phương nào đi khiếu kiện vượt cấp thì Chủ tịch, Bí thư phải chịu trách nhiệm đưa người dân về và đối thoại với họ.
Theo Hoàng Thùy/VnExpress