“Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, soi vào thực tiễn vẫn luôn luôn mới.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 128 năm ngày sinh của lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018) cũng là thời điểm Hội nghị Trung ương 7 với những quyết sách quan trọng về công tác cán bộ vừa kết thúc. Trước, trong và sau hội nghị, những chỉ dẫn của Người về công tác cán bộ đã được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi, suy cho đến cùng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị: Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải là những người thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Từ vài chục năm trước, Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu, cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”.
Đức và tài, “hồng” và “chuyên” trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi, nhiều tác động, trong đó, ảnh hưởng lớn nhất là mặt trái của cơ chế thị trường thì có lẽ, chữ “đức” phải được đặt đúng vị trí như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”. Điều gì đang thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng, thách thức sự tồn vong của chế độ? Đó chính là niềm tin của nhân dân khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trịnh Xuân Thanh, trong vai trò lãnh đạo một doanh nghiệp đã để thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của Nhà nước, nhưng ông ta thay vì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và trước pháp luật, lại vi vu trên con đường thăng tiến. Lần lượt vượt qua các cửa ải bằng cách chạy thành tích, chạy thi đua, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển… Để cuối cùng, ngồi vào vị trí Phó Chủ tịch ở một địa phương, ông ta cho mình cái quyền được hưởng thụ hơn người bằng việc xài một chiếc xe sang trị giá hơn 5 tỷ đồng. Trường hợp của Trịnh Xuân Thanh được coi là “tổng hợp” của các biểu hiện suy thoái. Nhiều người đặt câu hỏi, đạo đức của người cán bộ ở đâu? liêm sỉ của người đảng viên cất ở chỗ nào?
Trong 27 biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết TW4, khóa XII chỉ ra, hơn một nửa trong số đó thuộc về phạm trù đạo đức như: Không gương mẫu trong công tác; Né tránh trách nhiệm, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân; Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng; Tham vọng chức quyền, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen; Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; Háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi...
Hơn 70 năm trước, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (viết năm 1947), Bác đã chỉ rõ hàng loạt căn bệnh trong cán bộ, đảng viên. Nay, chúng ta cũng chỉ đích danh những biểu hiện suy thoái. Tất cả đều bắt nguồn từ một nguyên nhân, đó là chủ nghĩa cá nhân- kẻ thù của cách mạng, nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hoá Đảng. Thực tiễn cho thấy, mục tiêu làm giàu và coi trọng lợi ích vật chất đã và đang trở thành cái đích hướng tới của không ít người. Với nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, nếu thiếu tu dưỡng đạo đức, họ rất dễ bị cám dỗ và sa ngã bởi lợi ích vật chất “che mắt”. Việc lợi dụng chức quyền, thu vén cá nhân, tham nhũng, làm giàu bất chính, tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta phát động đang lấy lại niềm tin trong nhân dân. Trước hết, nhân dân tin tưởng vào phẩm chất, đạo đức của những người lãnh đạo, tin vào “cái tâm trong sáng” của người phất cờ. Giống như trong chiến tranh, nhân dân đã từng tin tưởng những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ chính là hình ảnh phản chiếu “tấm gương đạo đức” Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm. Nói về đạo đức đi đôi với thực hành đạo đức.
Trở đi, trở lại, vấn đề “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, soi vào thực tiễn vẫn luôn luôn mới. Hồ Chí Minh từng viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Một chiến lược cán bộ mới đã được hoạch định, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ nặng nề của đất nước trong giai đoạn mới: giai đoạn hội nhập và mở cửa sâu rộng. Biết bao cơ hội và thách thức đan xen. Nhưng, từ những yếu kém, tiêu cực trong công tác cán bộ thời gian qua, người lãnh đạo cao nhất của Đảng một lần nữa phải nhắc lại yêu cầu về “đạo đức” đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ tinh hoa, dẫn dắt đất nước trên con đường phát triển./.
Theo Hương Giang/VOV.VN