Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đẩy mạnh chính sách hướng sang châu Á, Việt Nam đã trở thành đối tác tự nhiên của Pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Quan hệ giữa hai nước có những bước tiến thực chất trên nền tảng mối liên hệ chặt chẽ trong rất nhiều lĩnh vực, từ chiến lược cho tới văn hóa, giáo dục và đào tạo.
Năm 2018, Việt Nam và Pháp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ song phương được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược.
Nhìn lại những bước tiến trong quan hệ Việt Nam-Pháp thời gian qua, giới chuyên gia, học giả Pháp đều chung nhận định quan hệ hai nước đã và đang phát triển tích cực.
“Quan hệ Pháp-Việt đã tiến triển hết sức đa dạng trong những năm gần đây, xét cả trên bình diện giữa Nhà nước với Nhà nước hay giao lưu nhân dân,” ông Pierre Journoud, giáo sư lịch sử Trường Đại học Montpellier nhận xét. “Hai nước đã trao đổi rất nhiều chuyến thăm cấp cao, trong đó Tổng thống François Hollande đã thăm Việt Nam năm 2017 và mới đây là chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.”
Theo các nhà phân tích, sự kiện này đánh dấu một bước chuyển mình mới cho cả hai nước trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục chính sách củng cố quan hệ với các đối tác quốc tế, nhất là các cường quốc, còn Pháp thì đẩy mạnh can dự vào châu Á, khu vực được đánh giá là đầu tàu kinh tế năng động của thế giới nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể làm xáo trộn tình hình thế giới trong những năm tới.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp đánh giá: “Pháp đã trở thành một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành một đối tác rất quan trọng của Pháp ở châu Á, do vai trò ngày càng lớn và những đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.”
Từ khi lên nắm quyền cách đây gần một năm và nhất là từ đầu năm 2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có nhiều bước đi thể hiện chính sách hướng sang châu Á. Dù châu Âu và cụ thể là Liên minh châu Âu vẫn là ưu tiên cao nhất của ngành ngoại giao Pháp, sức hấp dẫn và những vấn đề nổi lên tại của châu Á đã thu hút sự quan tâm lớn hơn của ông chủ điện Elysée.
Bắt đầu bằng việc tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Paris ngay sau khi nhà lãnh đạo mới của Pháp được chuyển giao quyền lực, Tổng thống Macron đã có hàng loạt chuyến đi đáng chú ý, trong đó nổi bật là chuyến thăm Trung Quốc tháng Giêng và thăm Ấn Độ tháng Ba.
Việc đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tính logic liên tục của chính sách của Pháp hướng sang châu Á, đã được khởi đầu một cách rất thiết thực và đẩy mạnh từ nhiệm kỳ của Tổng thống François Hollande.
Giám đốc nghiên cứu và Chủ nhiệm Chương trình châu Á-Thái Bình Dương của Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp, ông Barthélémy Courmont, cho biết chính sách của chính quyền Tổng thống Macron đối với không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương, thể hiện qua hoạt động ngoại giao rất tích cực hướng sang châu Á sau chuyến thăm Trung Quốc, Ấn Độ, đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản và lãnh đạo Việt Nam gần đây, có nền tảng là xây dựng các mối quan hệ đối tác với nhiều nước trong khu vực.
Đây chính là sự tiếp nối của chiến lược “xoay trục” của Pháp sang châu Á đã được bắt đầu trước đó. Theo ông, Pháp muốn khẳng định là cường quốc gắn bó chặt chẽ với các vấn đề của Ấn Độ-Thái Bình Dương, còn Việt Nam là một đối tác tự nhiên.
Theo số liệu từ phía Pháp, kim ngạch mậu dịch song phương năm 2017 đạt hơn 6,7 tỷ euro, trong đó xuất khẩu của Việt Nam lên tới hơn 5,1 tỷ euro và nhập khẩu hơn 1,6 tỷ euro.
Trong khi Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng điện thoại di động, giày dép và dệt may chiếm gần 50%, thì đa số giá trị xuất khẩu của Pháp phụ thuộc vào các lĩnh vực hàng không, dược phẩm.
Mặc dù kim ngạch trao đổi hàng năm có bước tăng trưởng khá mạnh những năm gần đây với tỷ lệ đạt 15% năm 2017 và 9,2% năm 2016, phía Pháp nhập siêu khá lớn. Giống như các nước châu Âu khác, hàng hóa Pháp vấp phải sự cạnh tranh mạnh từ các đối tác châu Á và Mỹ, không cải thiện được thị phần trong suốt nhiều năm.
Mức độ quan hệ thương mại vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng liệu có phải là một trở ngại để quan hệ đối tác chiến lược phát triển thực chất hơn ? Theo đánh giá của một số nhà phân tích Pháp, câu trả lời là Không.
Tướng về hưu Daniel Schaeffer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam của cơ quan tư vấn Asie 21, nhận xét: “Chuyến thăm của Tổng Bí thư với hai hợp đồng lớn ký với các tập đoàn Bouygues và GDF cho thấy quan hệ hai nước không hề trống vắng. Việc cán cân thương mại bị âm về phía Pháp cho thấy Việt nam vẫn chưa quan tâm mua nhiều hàng hóa hoặc ký các hợp đồng lớn với phía Pháp.”
Quan điểm này cũng được ông Barthélémy Courmont chia sẻ: “Mục tiêu không chỉ là tập trung vào quan hệ thương mại, vốn đang có xu hướng phát triển, mà cần phải xem xét các khía cạnh khác của quan hệ đối tác. Quan hệ chính trị và ngoại giao, các vấn đề chiến lược, giao lưu văn hóa và giáo dục đại học cũng là những lĩnh vực được chú ý. Việt Nam là quốc gia trẻ và có sự năng động đặc biệt, còn Pháp hiện nay giống như một quốc gia khởi nghiệp, nên không thể đứng ngoài.”
Tướng Schaeffer, người cũng từng là Tùy viên quân sự đầu tiên của Pháp tại Việt Nam, cho rằng trên lĩnh vực quốc phòng, quan hệ song phương có sự phát triển rất ý nghĩa. Ông khẳng định đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn nhằm củng cố quan hệ song phương kể từ khi "tôi có vinh dự mở phòng tùy viên quân sự Pháp tại Hà Nội năm 1991 dưới thời Đại sứ Claude Blanchemaison.” Ông cũng nhấn mạnh: “Những người kế nhiệm tôi cũng đã làm rất nhiều theo chiều hướng này để củng cố mối quan hệ quân sự.”
Cho tới nay, trong lĩnh vực quốc phòng Pháp giúp Việt Nam đào tạo trong lĩnh vực quân y, bản đồ, cấp học bổng cho nhiều sinh viên quân sự theo học tại các học viện quốc phòng và đại học của Pháp, kể cả trường Sỹ quan Saint-Cyr danh tiếng.
Nền tảng của mối quan hệ Pháp-Việt là sự liên hệ sâu sắc giữa hai nước tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm nay. Ở nước này hay nước kia, sự hiện diện văn hóa và giao lưu nhân dân không mạnh mẽ, ào ạt, mà nó phảng phất nhưng vẫn rất dễ thấy, bổ sung cho mối quan hệ Nhà nước-Nhà nước.
Theo Giáo sư Pierre Journoud, quan hệ giữa hai nước liên quan đến các hoạt động xã hội rất phong phú, có rất nhiều trao đổi giữa các hội đoàn, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và rất nhiều lĩnh vực khác.
Đây cũng là một phần của hợp tác phi tập trung, bên cạnh mối quan hệ giữa các địa phương, thành phố của hai nước, mà Giáo sư Pierre Journoud nhấn mạnh “tất cả sự trao đổi, liên hệ này hình thành nên một tấm nệm rất vững chắc hỗ trợ cho quan hệ song phương.”
Trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp cuối tháng trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong suốt 45 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Pháp luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh vượt lên trên các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam "là cả một sự chân tình," bởi vậy "hai nước cần xích lại gần nhau hơn nữa và cần phát huy vị trí thuận lợi của Pháp tại Việt Nam và qua đó tại châu Á, cũng như của Việt Nam tại Pháp và qua đó tại châu Âu."
Rõ ràng, việc tăng cường quan hệ hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp là yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước./.
Theo Tiến Nhất/ TTXVN