Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm UB Tư pháp về việc nhiều dự án luật trình ra chưa đủ điều kiện, chất lượng, luật phòng chống tham nhũng phải rút vào phút cuối, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long giải thích, vấn đề xử lý tài sản tham nhũng, có ý kiến đề xuất là với tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc thì đánh thuế, tới 40%.
Rô-bốt thành công dân, pháp luật thay đổi hơn bao giờ hết
Phần đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động tới mọi quốc gia, người dân. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tác động của việc này tới công tác xây dựng pháp luật?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu câu hỏi với Bộ trưởng Tư pháp về tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0
Bộ trưởng Lê Thành Long xác nhận những thay đổi lớn do khoa học công nghệ tới những vấn đề của pháp luật, trước hết là về chủ thể điều chỉnh của pháp luật. Ông phân tích, giờ ngồi ở Việt Nam vẫn có thể biết được việc diễn ra ở Mỹ hay trước đây, hoạt động sản xuất cần phân biệt thành ca ngày ngày và đêm nhưng tới nay, rô-bốt có thể làm ngày làm đêm không phân biệt.
Như vậy là chủ thể của pháp luật đã rất khác nhau. Rồi việc ra đời trí tuệ nhân tạo, nhiều sản phẩm phát minh, sáng kiến không chỉ do con người tạo ra nữa mà hoàn toàn có thể là từ một cỗ máy. Thậm chí có nơi rô-bốt đã được công nhận là công dân. Vậy là, đối tượng pháp luật phải bảo vệ cũng đã khác, quyền sở hữu thông tin, sở hữu trí tuệ của các chủ thể cũng cần đặt lên cao hơn bao giờ hết.
Việc này ảnh hưởng lớn, ảnh hưởng ngay đến những nguyên lý cơ bản của pháp luật. Bộ trưởng Tư pháp cho biết ông đã đề nghị Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh sang nói chuyện, giới thiệu thêm cho cán bộ trong Bộ Tư pháp nghiên cứu, áp dụng công nghệ trong năm nay để phục vụ việc thẩm định các luật của Bộ Tư pháp. Sau đó, Bộ sẽ có giải pháp cụ thể đề xuất tiếp.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Trương Minh Hoàng đề cập việc thời gian qua việc thực hiện chương trình xây dựng luật pháp lệnh chưa được tuân thủ chặt chẽ, nhiều luật được đưa vào, rút ra liên tục và việc này thường xuyên lặp lại. Ông Hoàng muốn biết, xử lý trách nhiệm vấn đề này thuộc về ai?
Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) tại phiên chất vấn
Bộ trưởng Tư pháp khẳng định trước hết là việc xây dựng luật có tiến bộ đáng kể thời gian qua, nhất là sau khi có luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016). Tuy nhiên, ông Long cũng xác định, đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng xin lùi, xin rút, xin điều chỉnh, bổ sung các dự án luật hàng năm.
Dù vậy, tình trạng này có giảm đi. Năm 2016 số dự án phải rút giảm từ con số 11 dự án của năm trước xuống còn 3 vào năm 2017 và chỉ còn 1 vào năm 2018. Đáng tiếc là sang năm 2018, số lượng dự án luật phải xin bổ sung vào chương trình lại tăng đột biến, trên dưới 10 dự án luật.
Lý do có sự thay đổi đó là do là vì khi lên dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường hết được diễn biến. Ví dụ, riêng luật Quy hoạch được ban hành đã kéo theo 11 dự án luật phải sửa ngay trong tổng số 25 dự án luật mà Quốc hội yêu cầu.
Ngoài ra, thực tế, theo ông Long đúng là có những người lãnh đạo cơ quan ban ngành chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng thể chế, pháp luật.
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng, cần chủ động rà soát trước hệ thống pháp luật để đảm bảo tính khả thi. Sau nữa là việc chủ động thẩm định luật. Ông Long hứa sẽ cố gắng thể hiện rõ ràng quan điểm dự luật đã đủ điều kiện trình hay chưa, đề nghị siết chặt kỷ cương hành chính để nhắc nhở các bộ chậm trễ trong việc này.
Tài sản không thể giải trình, đánh thuế 40%?
Đại biểu Trần Quang Chiểu, uỷ viên thường trực UB Tài chính – Ngân sách ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng Tư pháp 2 năm qua. Tuy nhiên ông cũng muốn Bộ trưởng làm rõ những thuận lợi, khó khăn sau 2 năm thực hiện luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau mỗi câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời ngay trong giới hạn tối đa 3 phút.
Bộ trưởng Long đánh giá chung, luật ban hành văn phản quy phạm pháp luật 2015 là một bước tiến mới để nâng cao hiệu quả hoạt động này, chấn chỉnh những điểm chưa hài lòng. Tuy nhiên có một số vấn đề lớn nổi lên, như lập thẩm định về chính sách.
Quy định về đánh giác tác động của dự án luật, theo Bộ trưởng là tiên tiến, nếu làm tốt, sàng lọc được từ khâu đầu sẽ đưa được những dự án luật có chất lượng vào quy trình. Tuy nhiên, luật này mới được thực hiện từ giữa năm 2016 nên việc thay đổi tư duy làm việc, tham mưu xây dựng luật cần thay đổi dần.
Vậy nên Bộ Tư pháp đề nghị sửa luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào năm 2019 để căn chỉnh cho phù hợp hơn. Bộ Tư pháp chủ trương quy định trách nhiệm đến cùng của cơ quan trình dự án luật.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề cập việc chuẩn bị các dự án luật quá chậm, ảnh hưởng đến việc thẩm tra của các UB của pháp luật. Có dự án luật chỉ chuyển sang vào cuối ngày thứ 6, giao cho UB Tư pháp làm trong 2 ngày nghỉ, không đảm bảo tiến độ, chất lượng. Có những dự án trình ra lại rất sơ sài, đánh giá tác động chay, chỉ nửa trang, không có số liệu kèm theo. Có những dự án luật chỉ có 1 Phó vụ trưởng ký với đôi ba dòng “lấy vì” là đồng ý, tán thành. Ví dụ khác, trong hồ sơ luật chỉ ghi nhận 18/27 thành viên Chính phủ có ý kiến, còn 9 thành viên trong đó có những bộ quan trọng không có ý kiến, thậm chí có luật không có ý kiến của Bộ Tư pháp.
Bà Nga đặt câu hỏi, để xảy ra tình trạng đó thì có kỷ luật cá nhân nào, Bộ trưởng nào, Vụ trưởng nào hay chuyên viên nào không?
Thừa nhận tình trạng này, ông Long đề cập trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành trong việc trình luật chậm, không đảm bảo tiến độ, quy trình. Thực tế, Quốc hội đã có phần nghị quyết quy định về việc này, xét về trách nhiệm chính trị thì việc chậm cũng là một yếu tố để Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với các Bộ trưởng đó. Với Chính phủ, quy định cũng tương đối rõ, trong các phiên họp, Thủ tướng yêu cầu rất rõ việc này.
Ông Long tán thành việc kiểm điểm, nhắc nhở, công bố công khai những việc chậm, văn bản còn nợ. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ cùng đôn đốc việc này. Đó cũng là nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng.
Về dự án luật Phòng chống tham nhũng mà Chủ nhiệm UB Tư pháp đề cập, ông Long giải thích, đây là dự án luật rất khó. Cho đến bây giờ, việc xem xét để trình ra quốc hội kỳ họp tới đây (tháng 5/2018) cũng có những ý kiến khác nhau.
Cụ thể về vấn đề xử lý tài sản tham nhũng, ông Long cho biết, có ý kiến đề xuất là với tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc thì đánh thuế, tới 40%. “Đây là quan điểm của Chính phủ và với tư cách một thành viên của Chính phủ, tôi tuân thủ việc này” – ông Long nói.
Còn quan điểm từ đầu của Bộ tư pháp về việc này, ông Long nêu rõ, Bộ đã so sánh với thông lệ quốc tế, những tài sản không chứng minh được thì tịch thu hoặc chuyển sang hình sự ngay, như Trung Quốc hiện đang áp dụng là tịch thu. Với Việt Nam, theo ông Long, áo dụng quy định này ngay chưa được mà phải thực hiện quy trình tư pháp về tố tụng, giống như xem xét việc chiếm giữ tài sản mà không có căn cứ.
Theo P.Thảo/Dân trí