Bộ Giao thông Vận tải ban hành giá vé qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định không đúng với phương án giảm giá trước đó đã thống nhất với chính quyền địa phương và các nhà đầu tư
Ngày 1-1, Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định bắt đầu triển khai bán vé qua trạm thu phí BOT Nam Bình Định (đặt tại thị xã An Nhơn) theo khung giá mới. Theo đó, mức giá vé mới được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành giảm 5.000 đồng/lượt/phương tiện so với trước đây. Do chưa in kịp vé mới đã giảm giá nên công ty dùng vé cũ trên đó có dấu đỏ in mức tiền thu phí mới.
Thống nhất một đằng, làm một nẻo
Cụ thể, các phương tiện thuộc loại 1 giảm từ 35.000 đồng xuống 30.000 đồng, loại 2 giảm từ 50.000 đồng xuống 45.000 đồng, loại 3 giảm từ 75.000 đồng xuống 70.000 đồng, loại 4 giảm từ 120.000 đồng xuống 115.000 đồng, loại 5 giảm từ 180.000 đồng xuống 175.000 đồng. Riêng xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn (không kinh doanh); các loại xe buýt vận tải khách công cộng, xe biển xanh, xe chở rác thuộc các địa phương lân cận giảm giá 50%.
Người dân bức xúc khi Quốc lộ 1 qua Bình Định mới làm xong đã xuống cấp nhưng thu phí giá cao
Trong khi trước đó, tại buổi làm việc giữa đại diện UBND tỉnh Bình Định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư, các bên đã thống nhất giảm giá vé qua BOT Nam Bình Định từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện thuộc nhóm loại 1; phương tiện thuộc các nhóm còn lại giảm 5.000 đồng/lượt. Mức giảm này cũng được ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Giám đốc Sở GTVT Bình Định, thông báo tại kỳ họp thứ 5 của HĐND tỉnh, ngày 8-12.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định, xác nhận tại buổi làm việc trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chấp nhận phương án giảm giá vé qua BOT Nam Bình Định từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện thuộc nhóm loại 1. "Phương án giảm giá đã thống nhất như vậy nhưng giờ Bộ GTVT quyết định mức thu bao nhiêu thì chúng tôi phải thực hiện như vậy, không thể khác hơn" - ông Hoàng nói.
Đường xấu, thu phí giá cao
Việc giảm giá vé nhỏ giọt, không đúng với thỏa thuận ban đầu giữa chính quyền địa phương và đại diện Bộ GTVT đã khiến nhiều người dân Bình Định bức xúc. "Lãnh đạo Sở GTVT nói rằng tỉnh và Bộ GTVT đã thống nhất giảm giá vé đối với các phương tiện thuộc nhóm 1 từ 35.000 đồng xuống còn 25.000 đồng/lượt. Vậy nhưng chẳng hiểu sao giờ Bộ GTVT lại "lật kèo", ra quyết định chỉ giảm xuống 30.000 đồng/lượt. Quốc lộ 1 qua Bình Định vừa làm xong đã nát bét, vậy mà họ chỉ giảm nhỏ giọt" - anh Nguyễn Hồng Thái, chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP Quy Nhơn, bức xúc.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng khẳng định mức giảm giá vé đối với các phương tiện thuộc nhóm 1 mà Bộ GTVT vừa ban hành đối trạm thu phí BOT Nam Bình Định không đúng với thỏa thuận trước đó giữa UBND tỉnh Bình Định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và chủ đầu tư. Cụ thể, tại cuộc làm việc trước đây, các bên đã thống nhất giảm giá vé đối với ô tô loại 1 qua trạm BOT Nam Bình Định từ 35.000 đồng xuống 25.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, Bộ GTVT chỉ cho giảm từ 35.000 đồng xuống 30.000 đồng.
"Mức giảm giá vé này không đúng thỏa thuận với tỉnh nhưng Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không hề trao đổi gì lại với tỉnh. Quan điểm của tỉnh Bình Định là phải tiếp tục giảm phí BOT theo đúng với lộ trình, mức giá đã thống nhất giữa các bên" - ông Dũng nói.
Ninh An: Xả trạm nhưng vẫn tắc Khoảng 9 giờ ngày 1-1, hàng chục tài xế khi qua trạm thu phí BOT Ninh An (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã dừng xe không chịu đi tiếp gây ách tắc. Sau đó, chủ đầu tư phải xả trạm nhưng các lái xe vẫn không chịu lưu thông khiến xe ùn ứ kéo dài khoảng 5 km. Đến khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, giao thông qua khu vực này mới thông. Trưa cùng ngày, lãnh đạo trạm BOT Ninh An đã có cuộc đối thoại với các tài xế. Các tài xế cho rằng những xã quanh trạm đều đi với khoảng cách rất ngắn nhưng phải trả tiền cho cả tuyến. Trong khi đó, trạm chỉ miễn phí cho 3 xã lân cận là không phù hợp. Ông Vũ Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa (chủ đầu tư BOT Ninh An), cho biết công ty đã tiếp nhận được 381 đơn thư đề nghị miễn giảm phí cho 518 phương tiện khi qua trạm thu phí BOT Ninh An. Ngoài ra còn có đơn thư của các lái xe không thuộc 3 xã, phường được Bộ GTVT chấp thuận miễn giảm. Nhà đầu tư đang tổng hợp và làm văn bản gửi Sở GTVT Khánh Hòa và UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét báo cáo Bộ GTVT chấp thuận phương án giảm phí. "Ngày 2-1 chúng tôi sẽ làm việc với Sở GTVT Khánh Hòa để nhắc sớm trình phương án miễn giảm phí cho các phương tiện để Bộ GTVT phê duyệt" - ông Long nói và cho biết thêm nếu được miễn giảm, số xe sẽ còn cao hơn số đề nghị vì nhiều xe thuộc diện được miễn giảm nhưng không làm đơn. Trước đó, trạm thu phí BOT Ninh An đã miễn giảm gần 200 phương tiện. K.Nam - H. Ánh |
Theo Anh Tú/NLĐO