Theo Giám đốc Sở Nội vụ, khối lượng, yêu cầu công việc của công chức thủ đô cao hơn địa phương khác nên phải trả lương thoả đáng hơn.
Hà Nội xây dựng cơ chế để công chức 'tự nguyện tinh giản'
Ngày 22/11, tại hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 về công tác cán bộ của Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đề nghị trung ương cho Hà Nội xây dựng quỹ tiền lương thưởng để trả lương cho công chức theo vị trí việc làm trên cơ sở yêu cầu công việc, nguồn thu ngân sách của thành phố.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng. Ảnh: Võ Hải.
Ông Sáng cho hay, trả lương cao hơn mức bình quân cả nước cũng là một trong những cơ sở để TP HCM đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
"Một vị trí việc làm cũng là chuyên viên, chuyên viên chính, nhưng trong khung năng lực, yêu cầu công việc, kết quả công tác ở Hà Nội và TP HCM có sự khác biệt so với cùng vị trí ở địa phương khác. Bởi số lượng công việc phải giải quyết tính phức tạp, nhạy cảm cao hơn, nên cần phải trả lương cao hơn", ông Sáng lý giải cơ sở cho đề xuất của mình.
Lãnh đạo Sở Nội vụ cho rằng, phải thực hiện như đề xuất mới cải cách được chế độ chính sách tiền lương, tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức và thu hút nhân tài vào các cơ quan thành phố.
Đề nghị nhất thể hoá Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường
Cũng tại hội nghị, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi đề nghị nên nhất thể hóa chức vụ Bí thư, Chủ tịch ở cấp phường, như vậy công việc sẽ tốt hơn, nhanh hơn.
Ông Khôi cho rằng nên áp dụng cơ chế không cần HĐND bầu mà bổ nhiệm ngay để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết liệt hơn. Nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu cũng có thể thay thế được ngay, tránh tình trạng vừa làm vừa lo chuyện bầu cử thì không hiệu quả.
Với cán bộ cấp quận, ông Khôi cho rằng cần nghiên cứu thận trọng hơn và chỉ nhất thể hoá ở những nơi có điều kiện như có sự đoàn kết thống nhất trong cả hệ thống chính trị. Cán bộ được chọn phải thực sự có năng lực và có tâm, có thể đáp ứng yêu cầu công việc; phải có cơ chế phát huy vai trò người đứng đầu và cơ chế kiểm soát quyền lực.
Về chế độ chính sách, ông Khôi cũng đề nghị lãnh đạo cấp phường sau khi nhất thể hóa sẽ được nâng mức phụ cấp, ít nhất bằng lãnh đạo các phòng ban ở cấp quận; tương tự, mức phụ cấp của Bí thư quận cũng nên được nâng ở mức bằng giám đốc các sở, ngành.
Ngoài ra, ông Khôi đề nghị cần có chính sách khuyến khích đối với cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ, vì quy định hiện nay về vấn đề này chưa phù hợp.
“Bây giờ muốn nghỉ hưu trước tuổi chẳng nhẽ lại phải "chạy" giấy khám sức khỏe?”, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nói.
Theo Nghị quyết được HĐND Hà Nội thông qua cuối năm 2016, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2017 được phân bổ như sau: Biên chế hành chính 10.897 biên chế, trong đó biên chế công chức là 9.116 biên chế (gồm 3 biên chế dự phòng), lao động hợp đồng theo Nghị định số 68 là 1.369 chỉ tiêu và lao động hợp đồng theo định mức 412 chỉ tiêu. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố trên 156.00 biên chế, trong đó có hơn 135.000 biên chế viên chức; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68 hơn 12.700 chỉ tiêu và lao động hợp đồng theo định mức gần 9.000 chỉ tiêu. |
Theo Võ Hải/VnExpress