Hòa Bình thiệt hại nặng nhất với 17 người chết, 15 người mất tích và 9 người bị thương trong mưa lũ.
Sáng nay, lũ sông Thanh Hóa, Ninh Bình đã xuống nhưng còn ở ngưỡng báo động 3 - mức nguy hiểm nhất. Tại Hòa Bình, trời lại mưa to khiến việc tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở vùi lấp 18 người thêm khó khăn.
Tại Thanh Hóa, người dân dùng xe công nông để vận chuyển người và phương tiện qua đoạn ngập. Ảnh: L.H.
Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai cho hay, đến sáng 13/10 mưa lũ đã làm 54 người chết, 39 người mất tích, 31 người bị thương.
Hòa Bình thiệt hại nặng nhất với 17 người chết, 15 người mất tích, 9 người bị thương. Riêng vụ sạt lở ở xã Phú Cường (Tân Lập) đã làm 10 người chết, 8 người mất tích. 300 người cùng thiết bị đang tổ chức tìm kiếm.
Mưa lũ đã làm gần 200 căn nhà sập, hơn 30.000 nhà ngập và gần 2.000 gia đình phải di dời khẩn cấp. Lũ lớn, một số sông lũ vượt mức lịch sử, gây ra 60 sự cố đê điều tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định.
Nhiều tuyến giao thông tại Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La vẫn chưa thông.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11/10. Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. |
Theo Võ Hải/Vnexpress