Trước những diễn biết bất thường và đặc biệt nghiêm trọng của mưa lũ những ngày qua, sáng 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải tạm hoãn chương trình tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng, di chuyển tới tỉnh Ninh Bình để thị sát, chỉ đạo việc gia cố, ứng phó mưa lũ và bảo vệ đê Hoàng Long - tuyến đê xung yếu bảo vệ thành phố Ninh Bình và tuyến Quốc lộ huyết mạch 1A.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm khu vực bị ngập lụt tại Tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp lên canô thị sát các điểm xung yếu, nước dâng cao đang được các lực lượng quân và dân tỉnh Ninh Bình tập trung gia cố tại khu vực đập tràn Lạc Khoái, xã Gia Viễn, huyện Nho Quan. Đây là một trong những đập xả lũ trên tuyến đê Hoàng Long liên quan đến 11 xã, 15 ngàn hộ dân với tổng 55 ngàn khẩu thuộc hai huyện Nho Quan và Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
[Nước sông Hoàng Long cao hơn mức xả lũ, Ninh Bình tính xả tràn cứu đê]
Theo ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, trong cơn mưa lũ kép lịch sử những ngày qua, mưa lớn xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, mực nước sông Hoàng Long qua địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn dâng cao từng giờ đạt đỉnh 5,3m, cao hơn đỉnh lũ năm 1985, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của tuyến đê. Nguy cơ tiến hành xả lũ là cận kề.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm khu vực bị ngập lụt tại Tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trước tình trạng này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đang tính đến việc xả tràn tại nhiều khu vực để cứu tuyến đê nếu nước tiếp tục dâng.
Bước đầu thống kê có gần 500 hộ khu vực ngoài đê Hoàng Long bị ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, trên 3.000 ha thủy sản của Nho Quan, Gia Viễn bị ngập. Toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa bị ngập úng. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tính đến các phương án phải xả tràn tại đập Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Nho Quan; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và nơi sơ tán cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau khi thị sát đập tràn, nghe báo cáo tình hình, trong cuộc làm việc nhanh ngay tại nhà vận hành đập tràn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo, thực hiện tốt việc triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho tuyến đê Hoàng Long; chuẩn bị tốt phương án di dân khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, Thủ tướng biểu dương Ninh Bình thường trực ứng cứu, tăng cường nhân, vật lực, đặc biệt là cân nhắc chưa cần thiết xả lũ mà vẫn giữ đê an toàn, tránh gây thiệt hại lớn cho nhân dân trong vùng.
Cảnh báo diễn biến thời tiết tiếp tục bất lợi trong những ngày tới, nhất là ảnh hưởng mưa lớn do cơn bão số 11, Thủ tướng đề nghị Ninh Bình sẵn sàng các tình huống ứng cứu, bảo vệ đê, phương án di dân, xả lũ theo lộ trình, bước đi phù hợp. Tỉnh cần tiếp tục theo dõi sát sao mức nước trên sông Hoàng Long; sẵn sàng các trang thiết bị thiết yếu như rọ sắt, bao tải cát để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh không chủ quan, bảo vệ các loại cây trồng phục vụ Tết Nguyên đán; triển khai công tác phòng chống lũ theo cấp báo động đã được phê duyệt, tập trung tổ chức lực lượng tuần tra canh gác để phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập trên địa bàn đặc biệt quan tâm các điểm xung yếu./.
Theo Quang Vũ - Đức Phương (TTXVN/Vietnam+)