Khi ông Nguyễn Xuân Anh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, bị Đảng kỷ luật cách chức, dư luận bày tỏ sự đồng tình với Trung ương.
Nguyên Tổng bí thư: Mất cán bộ rất đau
Kỷ luật cán bộ cấp cao thể hiện trách nhiệm của Đảng
Tổng bí thư: Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy
Thời ông Nguyễn Xuân Anh rời bỏ nghiệp làm báo, đặt bước đầu tiên lên nấc thang chính trường, người ta bảo hạt giống đỏ đã hé lộ. Và rồi, bước quan lộ của ông Xuân Anh hanh thông đến chóng mặt. Sau mấy năm làm báo ngắn ngủi chưa kịp bộc lộ thiên năng khác người, ông được đặt vào bệ phóng - đường ray, cứ thế mà tiến. 35 tuổi vào ủy viên Trung ương dự khuyết, 38 tuổi ngồi ghế Phó bí thư Thành ủy, 39 tuổi thành Bí thư Thành ủy, 40 tuổi vào ủy viên Trung ương. Và 41 tuổi...
Chín ép
Nếu cán bộ, người dân Đà Nẵng kêu không thấu đến Trung ương? Nếu UB Kiểm tra Trung ương không rốt ráo vào cuộc và công khai kết luận? Nếu Bộ Chính trị không nghiêm túc xem xét và kịp thời trình Trung ương tại hội nghị lần thứ 6 (khoá 12) này để kịp xử lý kỷ luật?... Biết đâu quan lộ của "hạt giống đỏ" mới hơn 40 tuổi này sẽ lại thênh thênh, theo đúng quy trình, tuần tự hoặc nhảy vọt do "trường hợp đặc biệt", bước lên vị trí cần lên.
Ông Nguyễn Xuân Anh
Từ thuở khởi phát phong trào đấu tranh cách mạng lập nên Nhà nước Việt Nam mới đến nay, các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta hầu như được lịch sử, phong trào cách mạng lựa chọn, đặt vào các vị trí trọng yếu lãnh đạo đất nước. Họ hầu như không có khái niệm "tập ấm", chăm chăm dọn đường đưa con em mình kế nghiệp. Đối với những vị lãnh đạo này, nếu con em mình thực sự có tài năng, đức độ, qua quá trình học tập, công tác, Đảng và nhân dân tất sẽ nhìn ra, sẽ lựa chọn, đặt vào các vị trí phù hợp. Như thế mới bền.
Những tác động nóng vội, thái quá, dễ tạo nên hiệu ứng chín ép, chín nhanh. Ở đời, chín ép, chín nhanh thì cũng dễ hỏng, dễ rụng.
Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh, cũng vậy. Trong khoảng thời gian ngắn, mặc dù chưa thể hiện tài năng, chưa có dấu ấn gì rõ rệt ở những vị trí công tác mà ông này đảm nhận, nhưng ông đã liên tục được cất nhắc, đặt vào vị trí quan trọng, vị trí sau cao hơn vị trí trước. Chính vì thế nảy sinh tính tự kiêu, tự mãn và sa vào những thói hư tật xấu mà nhiều vị quan chức suy thoái đàn anh từng mắc phải.
Theo kết luận của UB Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Xuân Anh vi phạm hầu hết khuyết điểm mang tính điển hình: Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Thật khó lý giải, một cán bộ cấp cao, thuộc tầng lớp "hậu duệ", tuổi đời còn trẻ, trong khi chưa tạo được dấu ấn tốt đẹp trong đời sống chính trị, đã sa vào cám dỗ vật chất, nhận nhà, nhận xe của doanh nghiệp; khai khống bằng cấp, tác động vào cơ chế chính sách có lợi cho một nhóm người.
Thêm một thói tật rất xấu, có thể xem là trọng bệnh của một bộ phận không nhỏ quan chức thời nay, là khi được đặt vào vị trí quan trọng, thường phát biểu, tuyên bố rất hùng hồn, thể hiện phong cách, thu hút dư luận. Nhưng ngay sau đó hành động, thì ngược lại, đầy toan tính, vụ lợi, cá nhân, thân hữu, lợi ích nhóm. Khi dư luận, báo chí phát hiện, cảnh báo, thì tìm cách vòng vo, che giấu, né tránh.
Để không còn hạt giống 'đỏ ngoài bì, thâm xì bên trong'
Cán bộ nào, phong trào ấy. Người dân và cán bộ TP Đà Nẵng nhận xét, TP trong vài năm lại đây không còn được cái năng động, hào sảng, thân thiện như trước đây. Nội bộ lãnh đạo biểu hiện nghi kỵ, mất đoàn kết; tâm trạng người dân tỏ ra bất an, thiếu tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo thành phố...
Một khi hạt giống "đỏ ngoài bì, thâm xì bên trong", như cách ví von của người dân, thì hậu quả sẽ là như thế.
Có thể hạn chế, không để xảy ra những Nguyễn Xuân Anh khác được không?
Trước tiên cần thay đổi phương thức lựa chọn cán bộ, từ cán bộ cấp cơ sở đến cán bộ cấp chiến lược. Từ kinh nghiệm thành công bước đầu trong việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp sở công khai, công bằng, minh bạch ở một số địa phương, bộ, ngành trong thời gian gần đây, Trung ương cần tổng kết, đánh giá và quy chế hoá cách làm có nhiều mặt ưu việt này. Hãy bãi bỏ cách lựa chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo bằng hình thức lấy phiếu tín nhiệm nặng về quy trình, lớp lang nhưng nhiều chủ quan, cảm tính. Hãy để mọi công dân có đủ tiêu chuẩn, có đức có tài đều có cơ hội thi thố vào các vị trí lãnh đạo, phục vụ dân và nhận đãi ngộ tương xứng từ dân.
Biện pháp quan trọng, là tăng cường thực chất công tác kiểm tra, giám sát quyền lực, sớm phát hiện để nhắc nhở, uốn nắn. Biện pháp xử lý, kỷ luật cán bộ chỉ là việc đặng chẳng đừng, khi cá nhân không chịu sửa chữa, khắc phục.
Và, vấn đề nữa, là các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước nên tôn trọng và biết nghe ngóng dư luận xã hội, phản ứng của nhân dân. Không phải mọi dư luận xã hội là bịa đặt, vu khống. Thực tế thời gian qua, trong một số trường hợp cụ thể, dư luận xã hội cung cấp nhiều thông tin chính xác và tích cực.
Theo Uông Ngọc Dậu/Vietnamnet